Những ngày tháng 5 năm nay, hòa cùng niềm vui chung của nhân loại tưng bừng kỷ niệm 139 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2025), 207 năm ngày sinh C.Mác (1818-2025) vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, dân tộc Việt Nam long trọng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 135 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, người đã lĩnh hội và truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành quả vĩ đại ấy chúng ta không thể quên tính khoa học, tính cách mạng, tính chiến đấu vĩ đại và thiên tài dự báo xã hội tương lai một cách tương đối chính xác của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen, tác phẩm gối đầu giường, giàu tính nhân văn sâu sắc của những người cộng sản.
1. Những giá trị nhân văn của tuyên ngôn.
1.1. Tuyên ngôn đã công bố bóng ma của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu đã thành hiện thực.
C.Mác khẳng định: Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở Châu âu thừa nhận là một thế lực. Hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản. Vì mục đích đó, những người cộng sản thuộc các dân tộc khác nhau đã họp ở Luân Đôn và thảo ra bản "Tuyên ngôn" dưới đây, công bố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng I-ta-li-a, tiếng Phla-măng và tiếng Đan Mạch. Tính nhân văn của Tuyên ngôn thể hiện ở chổ: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
1.2. Tuyên ngôn đã thừa nhận thành tựu của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản đối với nhân loại.
Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử. Giai cấp tư sản đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị.
Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Sự chinh phục những lực lượng thiên nhiên, sự sản xuất bằng máy móc, việc áp dụng hoá học vào công nghiệp và nông nghiệp, việc dùng tàu chạy bằng hơi nước, đường sắt, máy điện báo, việc khai phá từng lục địa nguyên vẹn, việc khai thông các dòng sông cho tầu bè đi lại được, hàng khối dân cư tựa hồ như từ dưới đất trôi lên, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội.
1.3. Tuyên ngôn đã phê phán một cách khách quan những khuyết tật thuộc về bản chất vốn không thể che dấu được của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản.
Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó. Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ tiền nong đơn thuần.
Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản sâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi. Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó.
Giai cấp tư sản bắt nông thôn phải phục tùng thành thị. Nó lập ra những đô thị đồ sộ; nó làm cho dân số thành thị tăng lên phi thường so với dân số nông thôn, và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã. Cũng như nó đã bắt nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây.
Giai cấp tư sản ngày càng xoá bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, về tài sản và về dân cư. Nó tụ tập dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất, và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những cái đó đã cản trở sản xuất, chứ không làm cho sản xuất tiến triển lên. Tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích. Phải đập tan những xiềng xích ấy, và qủa nhiên những xiềng xích ấy đã bị đập tan.
1.4. Tuyên ngôn không chỉ khẳng khái tuyên bố sự sụp đổ tất yếu không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản mà còn chỉ rõ lực lượng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản.
Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lạị đập vào ngay chính giai cấp tư sản. Những giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí đã giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản. Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ tăng thêm tư bản cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác; vì thế họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau.
Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiến hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu. ( Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613.)
C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.624). Khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ quốc gia, dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các quốc gia, dân tộc cũng đồng thời mất theo.
1.5. Tuyên ngôn đã thể hiện tính nhân văn hết sức cao cả chỉ rõ phương thức tồn tại của của chủ nghĩa tư bản, của giai cấp tư sản.
Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tôn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.
1.6. Tuyên ngôn đã phát họa ra những nét chấm phá của bức tranh xã hội xã hội cộng sản tương lai.
C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Và chỉ đến lúc đó, con người mới thực hiện bước nhảy “từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do” Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu bất hủ: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”.
Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Vladimir Ilyich Lênin-vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới - đã khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. (V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 26, tr.10.).
V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào điều kiện cụ thể của nước Nga để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười. Người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều với sự tiên phong phá vỡ những quan niệm cũ kỹ về chủ nghĩa xã hội bằng việc đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Người căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Marx như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.(V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tập 4, tr.232.)
2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển Tuyên ngôn trong bối cảnh tình hình mới.
2.1. Mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương lai.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ xã hội, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có (Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 24 – 25). Đây chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội; và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chính là con đường duy nhất đúng để đạt được những giá trị đó trong hiện thực đời sống của nhân dân. “... Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”. Đây chính là chân lý mà Đảng ta đã kiên định từ những năm 1930 cho đến nay mà mọi người dân Việt Nam đã và đang hiện thực hóa. Đây là tiền đề căn bản để con người từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do. Đó cũng chính là sự vận dụng, sáng tạo độc đáo và phát triển đến đỉnh cao tư tưởng C.Mác về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ và Đảng ta.
2.2. Nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai của Việt Nam.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội: Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; Quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; Quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; Quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Ngày nay, khi nhân loại bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0, dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những tư tưởng nhân văn sâu sắc của Tuyên ngôn vẫn giử nguyên giá trị lý luận và tực tiễn của nó. Chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản tồn tại và phát triển đến nay chính là nhờ vào sự cảnh báo của C.Mác: Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Sự điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản bước đầu giúp cho chúng kéo dài tồn tại khi nó còn phù hợp tương đối, song chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản không thể che dấu những khuyết tật với tư cách là bản chất của chúng trong quá trình phát triển. Điều quan trọng cần khẳng định là C.Mác đã hết sức nhân văn khi chỉ ra cách mà chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản buộc phải làm để tồn tại trong điều kiện tất yếu sẽ bị diệt vong. Trong thời đại 4.0 việc cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội một lần nữa có giá trị nhân văn sâu sắc trong qúa trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho năng suất lao động tăng lên không ngừng để dân giàu, nước mạnh.