Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước chân chính, tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa

Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí bất khuất, bản lĩnh trí tuệ vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo cùng với những thất bại của các xu hướng cứu nước lúc bấy giờ chính là động lực trực tiếp để Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, hình thành cho mình nhãn quan chính trị vượt thời đại, vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước cùng thời những năm đầu thế kỷ XX.

Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc nhiều đối tượng đã giúp Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển nhãn quan chính trị vượt thời đại của mình. Đặc biệt, khi tiếp cận đến tư tưởng V.I.Lênin với tư cách là kim chỉ nam cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực, một bước ngoặt lịch sử đánh dấu sự chuyển biến về lập trường, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

1. Nguyễn Ái Quốc từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển từ chủ nghĩa yêu nước chân chính sang lập trường cộng sản.

Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thuê ở Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì “vẽ đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra). Hồi đó, tôi thường rải truyền đơn tố cáo tội ác bọn thực dân Pháp ở Việt Nam.

Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tình tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết.

Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ rõ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu.

Trước kia, trong các cuộc họp chi bộ tôi chỉ ngồi nghe người ta nói; tôi cảm thấy người nào cũng có lý cả, tôi không phân biệt được ai đúng, ai sai. Nhưng từ đó tôi cũng xông vào những cuộc tranh luận. Tôi tham gia thảo luận sôi nổi. Mặc dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?

Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường của tôi. Ở đây, tôi cần nhắc thêm rằng các đồng chí Mácxen Casanh, Vayăng Cutuyariê, Môngmútxô và nhiều đồng chí khác đã giúp đỡ tôi hiểu biết thêm. Cuối cùng ở Đại hội thành phố Tua, tôi cùng các đồng chí ấy biểu quyết tán thành tham gia Quốc tế thứ ba.

Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tán thành theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. 

- Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng xã hội Pháp, đồng thời tham gia vào tổ chức của Đảng xã hội Pháp nghiên cứu về Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản).     

- Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc Những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Lumanitê. Người nhận rõ Luận cương của V.I.Lênin soi sáng con đường giải phóng dân tộc mình.

          - Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (cuối tháng 12-1920), diễn ra ở thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.         

Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và cách mạng Việt Nam, Người đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, trở thành người cộng sản, đồng thời xác lập cơ sở lý luận cho cách mạng Việt Nam, theo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, chính Luận cương của V.I.Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản.

Qua Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đó con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, 40 năm sau nhìn lại sự kiện này, đã viết: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1 2, Nxb Chính trị quốc gia, tr.740.)

2. Nguyễn Ái Quốc người cộng sản Việt Nam đầu tiên tìm thấy chân lý là chủ nghĩa Mác-Lênin và hiện thực hóa bằng con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.    

- Chính chủ nghĩa V.I.Lênin và sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã là tiền đề và điều kiện để Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “cách mạng” có nhiều thứ, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304, 289) và cũng từ đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30). Cách mạng Việt Nam chỉ có một con đường tất yếu là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến Hội nghị các nước đế quốc họp tại Vécxây bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, Bản Yêu sách chỉ là những điều “khiêm tốn” đặt trong bối cảnh: “trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự”. Bởi, chúng ta thấy tuyên bố về quyền dân tộc tự quyết của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Versailles năm 1919 chỉ là trên đầu lưỡi, không có một chút nào về giá trị thực tế. Về sau, trong một loạt bài báo có tên là Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn”.

Ngày 17/7/1920, lần đầu tiên Người đọc: Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân Đạo (LHumanite) của Pháp, số ra ngày 16 và 17- 7- 1920. Luận cương lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc. Người tìm thấy ở đó con đường đi đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, cứu dân cứu nước là theo con đường cách mạng vô sản, con đường có mục đích cao cả là giải phóng dân tộc để tiến tới giải phóng con người. Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin có những điểm đặc biệt, khác hẳn về chất so với những văn kiện và các tác phẩm nổi tiếng trước đó như Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, Khế ước xã hội của J.J Rutxo... Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.268). Đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.

Chính điểm khác biệt đó đã giải quyết được những trăn trở của Nguyễn Ái Quốc suốt gần 10 năm trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Do đó, Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc tìm ra được con đường giải phóng dân tộc Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản.

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc đọc bản Luận cương của Lênin, cùng với những hoạt động sát cánh với các tầng lớp công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa, là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tổ chức ở thành phố Tours, tháng 12/1920. Từ đây, Người chính thức trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Người.

Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “'cẩm nang”' thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Có thể khẳng định, Luận cương của V.I.Lênin đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Do nhu cầu của cách mạng, Người càng ra sức tìm hiểu và thấu suốt được tinh túy của chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.… Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, tr. 128). “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

- Ngay từ thế kỷ XX, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới và đi tới lập trường cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc xác lập con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

- Năm 1930, tại Hồng Kông (TQ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh đầu tiên là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản tức độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa..

          - Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Người khẳng định: Các giai đoạn của cách mạng Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giai đoạn trước tạo tiền đề cho giai đoạn sau, giai đoạn sau kế tiếp và củng cố, phát triển giai đoạn trước.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và ngày càng được hoàn thiện qua quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. 

Những ngày tháng tư năm nay, hòa cùng không khí vui mừng chiến thắng. Nhân kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I.Lênin, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, của những người lao động trên thế giới, dân tộc Việt Nam không quên những cống hiến về phương diện lý luận cũng như thực tiễn của Người đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản.

Tác giả
ThS. Nguyễn Thành Phương - Trưởng Khoa Lý luận cơ sở-Trường Chính trị