Sáng ngày 15 tháng 02 năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã long trọng tổ chức tổ chức hội nghị trực tuyến phát động cao điểm thi đua Đồng khởi mới năm 2024-2025. Mục đích của Hội nghị phát động cao điểm thi đua Đồng khởi mới năm 2024-2025 là gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị của tinh thần của Đồng khởi năm 1960 trong xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Đồng khởi mới theo phương châm “Hai chân, ba mũi”. Tạo ra xung lực chính trị tinh thần trong toàn Đảng bộ và Nhân dân quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của cả Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Thiết nghĩ, để thật sự tạo ra được chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, vận động được các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua Đồng khởi mới theo tinh thần ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua thì chúng ta cần phải hiểu sâu sắc hơn nữa về cuộc Đồng khởi năm 1960 và những cơ sở pháp lý, nội dung của phong trào Đồng khởi mới có như vậy mới có thể hiểu và vận dụng đúng tinh thần của Đồng khởi năm 1960 vào phong trào thi đua Đồng khởi mới trong giai đoạn hiện nay.
* Nắm vững, hiểu sâu sắc các khái niệm Đồng khởi và làm rõ ba đặc trưng của khái niệm Đồng khởi.
“Đồng khởi” xuất phát từ thực tiễn vận dụng, triển khai thực hiện Nghị quyết 15 ở Bến Tre, sau này khái niệm trên được sử dụng phổ biến trong cả nước để chỉ sự đồng loạt nổi dậy giành chính quyền của nhân dân.
Sau Hiệp định Giơneve, chính quyền Mỹ - Diệm ra sức tàn sát, khủng bố những người kháng chiến cũ và đồng bào yêu nước, lòng căm phẫn của nhân dân đối với bọn cướp nước và bè lũ bán nước dâng lên tột độ. Trước tình hình vô cùng khó khăn và cấp bách đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ban hành Nghị quyết 15 chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Miền Nam là: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc tay sai. Với phương pháp cách mạng là: Dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân. Ở Bến Tre, đồng chí Nguyễn Thị Định – lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy, được cử đi tiếp thu Nghị quyết 15 tại Khu ủy Đồng Tháp mười. Trong thời gian đồng chí Ba Định đi dự Hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre đã nhận được tóm tắt Nghị quyết 15, chủ trương của Khu ủy về chỉ đạo khởi nghĩa. Tỉnh ủy đã ra sức chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, móc nối củng cố cơ sở binh vận, thành lập ba đội vũ trang tuyên truyền kịp thời chuẩn bị khởi nghĩa.
Ngày 30 tháng 12 năm 1959, đồng chí Ba Định về đến Bến Tre. Ngày 01 tháng 01 năm 1960 triệu tập cuộc họp truyền đạt lại tinh thần Nghị quyết 15 và chủ trương của Liên Tỉnh ủy, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kiềm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở nông thôn. Quán triệt tinh thần chuyển hướng đấu tranh cách mạng của Đảng, căn cứ vào tình hình cách mạng của tỉnh nhà, tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Định và sáu đồng chí còn lại quyết định lấy ngày 17 tháng 01 năm 1960 sẽ nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh và chọn ba xã điểm là: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Sau đó, đồng chí Nguyễn Thị Định trực tiếp triển khai lại quan điểm của tỉnh ủy cho các huyện Thạnh Phú, Minh Tân (Mỏ Cày Bắc). Đồng chí Ba Định dùng khái niệm “Đồng khởi” để chỉ cuộc nổi dậy đồng loạt như đã quyết định, vị nữ tướng giải thích “Đồng khởi” là phải “đồng lòng, đồng loạt” nổi dậy khởi nghĩa. Cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân ba xã điểm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã thắng lợi vang dội, mở ra cuộc nổi dậy của nhân dân trong toàn tỉnh. Sau một tuần quân và dân ta đã mở rộng vùng giải phóng, phát triển lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Thành công của cuộc Đồng khởi năm 1960 đã chứng minh tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, dám nghĩ dám làm của Tỉnh ủy đặc biệt là đồng chí Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Khái niệm “Đồng khởi” được nhận biết bởi ba đặc trưng: Là một cao trào cách mạng, lấy lực lượng chính trị làm chính, phối hợp với lực lượng vũ trang; giành quyền làm chủ và thế làm chủ cho quần chúng cách mạng; Là sản phẩm của Nghị quyết 15. Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre, thỏa mãn cả ba đặc trưng trên. Cùng với sự chiến đấu dũng cảm mưu trí của lực lượng vũ trang, phối hợp với đội quân tóc dài sáng tạo đánh địch bằng “hai chân, ba mũi”, hai chân gồm lực lượng vũ trang và bộ đội địa phương, ba mũi tấn công địch bằng chính trị, binh vận và vũ trang. Cuộc “Đồng khởi” đã giành thắng lợi trong toàn tỉnh, giành quyền làm chủ chính quyền của nhân dân. “Đồng khởi” năm 1960 ở Bến Tre, thực hiện đúng tinh thần Nghị Quyết 15, là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết. Như vậy, “Đồng khởi” theo nữ tướng Nguyễn Thị Định là đồng lòng, đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa. Còn theo đại tướng Hoàng Văn Thái, “Đồng khởi” có thể hiểu là: “Cao trào cách mạng của quần chúng, lấy lực lượng chính trị làm gốc, kết hợp với lực lượng vũ trang, giành quyền làm chủ của nhân dân, sau khi có nghị quyết 15 của Đảng”.
Cuộc “Đồng khởi” năm 1960 ở Bến Tre là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết 15, khái niệm “Đồng khởi” cũng lần đầu tiên được sử dụng ở Bến Tre để chỉ sự đồng lòng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền của nhân dân. Sau đó khái niệm “Đồng khởi” mới được đưa vào Nghị quyết và sử dụng phổ biến trong cả nước. Như vậy, lịch sử đã chứng minh, “Đồng khởi” xuất phát từ Bến Tre và Bến Tre thật sự là điểm xuất phát, nơi sáng tạo ra phong trào “Đồng khởi”. Điều đó đã được Đảng và Nhân dân ta ghi nhận, ngày 2 tháng 9 năm 1968 sau chiến dịch Mậu Thân, Bến Tre đã vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”. Năm mươi năm sau, ngày 6 tháng 9 năm 2018, tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, 50 năm ngày Bến Tre được tuyên dương danh hiệu trên và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Hội Phụ nữ giải phóng – “Đội quân tóc dài” của tỉnh Bến Tre. Bến Tre thật sự là “Quê hương đồng khởi” – Bến Tre Đồng khởi anh hùng.
* Nhận thức rõ cơ sở pháp lý, nội dung của phong trào “Đồng khởi mới”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bến Tre cũng như nhiều nơi khác ở miền Nam rơi vào cảnh hoang tàn, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội bị bom đạn tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, vận dụng kinh nghiệm và bài học từ Đồng khởi năm 1960, nhằm khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân; đồng thời, để lập thành tích kỷ niệm 17 năm ngày Bến Tre Đồng khởi, ngày 02 tháng 01 năm 1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU phát động phong trào Đồng khởi mới. Kết quả qua gần 20 năm thực hiện phong trào Đồng khởi mới, mọi mặt văn hóa, kinh tế - xã hội Bến Tre phát triển nhanh chóng, trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã dấy lên và lan tỏa tinh thần Đồng khởi mới, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nói riêng, các phong trào hành động cách mạng nói chung đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Nhất là kể từ cuối năm 1986 trở đi, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế cả nước và địa phương chuyển từ tập trung quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nguồn lực lao động địa phương thật sự được giải phóng. Hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh thực hiện phong trào Đồng khởi mới, tập trung cao cho các hoạt phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển địa phương, đạt được nhiều thành tựu mới.
Đến năm 1997, Bến Tre cùng với cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng vì điểm xuất phát thấp, địa hình giao thông cản trở, năng lực quản lý, điều hành xã hội của các cơ quan quản lý còn nhiều bất cập nên tốc độ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn này chưa cao. Nhằm tiếp tục phát huy tinh thần đồng khởi và kết quả đạt được qua 20 năm phát động phong trào Đồng khởi mới, ngày 5 tháng 12 năm 1997, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tổ chức kỷ niệm những ngày lịch sử lớn năm 2000, phát động phong trào Đồng khởi mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Kết quả phong trào đã khơi dậy liên tục, sâu rộng các phong trào thi đua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; nắm vững các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá; giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, khai thác tối đa nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; coi trọng việc xây dựng mô hình và xây dựng mô hình trong các lĩnh vực; nêu cao tinh thần chủ động, ý thức tự lực tự cường, tư tưởng cách mạng tiến công, nỗ lực vượt khó ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức và cá nhân thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tiếp tục thực hiện nghị quyết 07, ngày 07 tháng 01 năm 2015, Tỉnh ủy Bến Tre ra Chỉ thị số 16-CT/TU về phát động phong trào thi đua Đồng khởi mới nhằm biến tinh thần đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng khởi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện. Chỉ thị số 16-CT/TU, ra đời tạo ra bước đột phá mới về việc phát động phong trào thi đua Đồng khởi mới, vận dụng phương châm “hai chân ba mũi” trong đồng khởi năm 1960 vào điều kiện xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cụ thể “hai chân” là tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần và động lực thúc đẩy bền vững. “Ba mũi” là thực hiện tập trung ba khâu đột phá: xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Công bố quyết định công nhận tuyến đường văn minh Nguyễn Du và Sương Nguyệt Anh thuộc khu phố 1 (công trình thi đua Đồng khởi mới)
Ngày 28 tháng 4 năm 2016 Tỉnh ủy Bến Tre ban hành chương trình số 10-Ctr/TU về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp với mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân Bến Tre; tạo niềm tin, tâm lý không ngại thất bại, khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, lao động và tính sẵn sàng, dám nghĩ, dám làm để làm giàu và thoát nghèo,… Với các nội dung: Đồng khởi khởi nghiệp; Phát triển các loại hình doanh nghiệp; Khởi nghiệp thoát nghèo hay tạo sinh kế bền vững cho người nghèo của tỉnh nhà.
Để tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng khởi, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điểm nhấn của Chỉ thị này là tiếp tục xác định phương châm “Hai chân, ba mũi” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể:
“Hai chân” bao gồm:
Một là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với các nội dung thi đua: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII; xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng tính nêu gương, rèn luyện người đảng viên, công chức tiêu biểu; nâng cao hiệu lực - hiệu quả hoạt động của chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử.
Hai là, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với các nội dung thi đua: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực; giảm nghèo bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ; xây dựng gia đình, dòng họ học tập; các phong trào thi đua trong ngành giáo dục, y tế; xây dựng địa phương, cơ quan xanh - sạch - an toàn; xây dựng địa phương, cơ quan, trường học đảm bảo an toàn và an ninh trật tự.
“Ba mũi” tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá, gồm:
Một là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các nội dung thi đua: Cải cách hành chính, chất lượng phục vụ; sáng kiến thực hiện công vụ nhanh, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả; xây dựng chính quyền điện tử, phần đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào top 20 cả nước, giữ vững tốp đầu chỉ số PCI, PAPI.
Hai là, huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng, gồm các nội dung thi đua: Giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án; trữ nước mưa, nước ngọt, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, xây dựng giao thông nông thôn; phát triển giao thông kết nối liên xã, liên huyện; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành giai đoạn 1 tuyến hạ tầng đường ven biển.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, gồm các nội dung thi đua: Công chức - viên chức học tập, nâng cao trình độ; chuyên nghiệp, tăng năng suất; đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất; áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới phù hợp.
Sau 3 năm phát động và triển khai thực hiện, phong trào thi đua Đồng khởi mới đã tạo được những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động; các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua” đã có 596 tập thể, 1.463 cá nhân được các cấp, các ngành, UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ biểu dương, khen thưởng[1].
Tỉnh uỷ xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của tỉnh năm 2024 sẽ quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính vì vậy, ngày 15/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức tổ chức hội nghị trực tuyến phát động cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” năm 2024-2025. Mục đích của hội nghị là gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị của tinh thần của “Đồng khởi năm 1960” trong xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Đồng khởi mới theo phương châm “Hai chân, ba mũi”. Tạo ra xung lực chính trị tinh thần trong toàn Đảng bộ và Nhân dân quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của cả Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Như vậy chúng ta cần nhận thức rằng, đối với Bến Tre hiện nay phong trào thi đua Đồng Khởi mới là phong trào thi đua đặc biệt, làm việc với tinh thần “tăng tốc” hơn mức bình thường, đạt kết quả cụ thể, nổi bật; từ đó, tạo động lực vật chất, tinh thần đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, đồng bộ và liên tục trong thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Chúng ta cũng cần lưu ý, việc tuyên truyền tổ chức thực hiện phong trào thi đua Đồng Khởi mới tiến hành theo phương thức: Xây dựng “điển hình”, học tập “điển hình”, bắt kịp “điển hình”, vượt qua “điển hình”; đề cao ý thức trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị, lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tạo ra một phong trào thi đua thật sự sôi nổi, rộng khắp, với tinh thần thi đua “ngành ngành thi đua, người người thi đua, nhà nhà thi đua”. Công tác tuyên truyền cần bám sát nội dung “Hai chân, ba mũi”, tuy nhiên việc chọn nội dung thi đua theo phương châm “Hai chân, ba mũi” phải bám sát chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, “Hai chân” là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, “ba mũi” là những giải pháp đột phá nhằm thực hiện đạt kết quả mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm ấy; nội hàm “Hai chân, ba mũi” phải được xác định phù hợp với từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, không rập khuôn, sao chép; có thể thực hiện xuyên suốt trong một vài năm hoặc cả nhiệm kỳ; hay thay đổi mỗi năm, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre, đã đi vào lịch sử hơn 64 năm như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Tiếp nối truyền thống Đồng khởi năm 1960, ngày nay Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre ra sức thi đua Đồng khởi mới, chung sức đồng lòng, tiến công liên tục, bứt phá để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2024, 2025 và Nghị quyết của cả nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030[2]. Tầm nhìn đến 2050: Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh[3].
[1] Nguồn: https://baodongkhoi.vn/hoi-nghi-phat-dong-cao-diem-thi-dua-dong-khoi-moi-nam-2024-2025
[2] Tỉnh ủy Bến Tre: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, 2020, trang 151.
[3] Quyết định số 1399/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-20230, tầm nhìn đến năm 20250.