Bảo tồn, phát triển làng nghề thủ công truyền thống mây tre đan ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri

“Liệu bề đát đặng thì đươn,
Đừng gầy rồi bỏ thói thường cười chê”

Đây là câu ca dao mà tôi vẫn thường nghe mỗi lần về quê hương Phú Lễ, một trong các địa phương hiếm hoi gìn giữ được sự tồn tại của làng nghề truyền thống – nghề mây tre đan hay còn gọi là nghề đươn đát, đan lát ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nghề mây tre đan trước đây được xem là làng nghề truyền thống nổi tiếng, đem lại giá trị kinh tế cao, giải quyết được một lượng lớn lao động nhàn rỗi của của huyện nhà. Tuy nhiên hiện nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần, do người dân không có đủ nguyên liệu để sản xuất, lợi nhuận thấp và không có lực lượng lao động kế thừa.

Trên địa bàn các xã Phú Lễ, An Đức, An Bình Tây, Phước Tuy (nay là xã Phước Ngãi) huyện Ba Tri, hàng trăm năm nay người dân đã làm nghề đan rổ, thúng, nia, sịa, bội, bung, lờ, lợp… theo truyền thống cha truyền con nối. Từ làng nghề phát triển thành xã nghề, liên xã nghề, sản xuất mang tính chuyên sâu theo sự phân công lao động xã hội và theo tay nghề, sự khéo léo của bà con từng xã. Cụ thể như nghề đan bội, bung, sịa của xã An Bình Tây, Phú Lễ; đan thúng rỗ ở xã Phước Tuy (nay là Phước Ngãi); nghề lợp, lờ ở xã An Đức.

Làng nghề truyền thống - mây tre đan trên địa bàn xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Làng nghề mây tre đan ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, hiện có các sản phẩm đan đát với hơn mười loại, mẫu mã, kích cỡ đa dạng như bội, bung, rổ, rế, sọt, lờ, lọp, nơm cá,… nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc, tầm vông. Lúc đầu nghề đan đát chỉ là nghề phục vụ trong sinh hoạt bình thường của người dân, nhưng về sau khi có nhu cầu về trang trí thì các sản phẩm làm ra đa dạng hơn. Góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững cho người dân.

Tuy nhiên hiện nay làng nghề mây tre đan ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri đứng trước những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Các sản phẩm của làng nghề bằng mây tre đan (rổ, thúng, nia, sịa…) không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhựa, có giá thành rẻ, mẫu mã kiểu dáng đa dạng, bắt mắt hơn. Hơn nữa gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, bởi vì để làm ra được những sản phẩm này, người dân phải nhập tre, trúc, tầm vông từ nơi khác, giá thành cao, đôi khi chất lượng nguyên liệu lại không cao. Chính vì vậy số lượng hộ gia đình làm nghề mây tre đan giảm dần, theo thống kê  tháng 3 năm 2023, trên địa bàn xã Phú Lễ chỉ còn lại 31 hộ gia đình làm nghề mây tre đan theo lối sản xuất thủ công, chỉ nhằm mục đích tạo thu nhập phụ thêm khi nhàn rỗi và giải quyết nguồn lao động lớn tuổi tại địa phương. Đây là một trong những khó khăn của chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, phát huy các làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề đan lát trên địa bàn xã hiện nay.

Chính vì vậy ngày 02 tháng 3 năm 2023, Uỷ ban Nhân dân xã Phú Lễ đã ban hành kế hoạch số 60/KH-UBND, về việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường xã Phú Lễ. Trong đó xác định mục tiêu phát triển làng nghề bảo đảm phát triển một cách bền vững, bảo tồn, phát huy được các yếu tố truyền thống, sử dụng nhiều lao động tại chỗ, sử dụng nguồn nguyên vật liệu tại địa phương và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra của kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề. Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, thiết nghĩ địa phương cùng các hộ gia đình làm nghề truyền thống mây tre đan trên địa bàn xã Phú Lễ, huyện Ba Tri phải thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, cụ thể hoá và thực hiện tốt kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề mây tre đan đã đề ra (Kế hoạch số 60/KH-UBND, về việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường xã Phú Lễ). Tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong công tác quản lý nhà nước về phát triển làng nghề và tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nông nghiệp tham gia vào làng nghề. Bố trí cán bộ phụ trách công tác làng nghề nhằm tăng cường công tác tổ chức nhân sự làng nghề, triển khai các nội dung và rà soát tình hình phát triển của làng nghề.

Thứ hai, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại, tiêu thụ sản phẩm làng nghề của tỉnh, huyện. Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tổ chức vận động hộ sản xuất liên kết theo hướng tập trung có tính quy mô an toàn, từng bước theo hướng an toàn để đảm bảo về số lượng và chất lượng đồng thời đảm bảo môi trường. Hỗ trợ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất làng nghề; xây dựng trang mạng thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu hàng hóa làng nghề. Tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân tiếp nhận thông tin thị trường, hướng dẫn họ áp dụng công nghệ mới nhanh và hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng và hình thành các điểm du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ở các điểm du lịch cần xây dựng khu vực đón tiếp, khu vực dừng nghỉ chân, bãi đỗ xe ô tô, không gian trưng bày, tham quan giới thiệu sản phẩm làng nghề, dịch vụ ăn uống, vệ sinh; tổ chức hoạt động giới thiệu sản phẩm tại chợ làng, các trung tâm mua sắm; hoạt động văn hóa... đảm bảo giao thông thuận tiện cho các hoạt động tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Thứ tư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Phối hợp các ngành chức năng tiếp tục nâng cấp mở rộng các tuyến đường trong làng nghề của xã như tuyến đường: ĐX 01, ĐX 02, các tuyến đường liên xóm ấp Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Khương.

Thứ năm, tổ chức và hỗ trợ đào tạo, truyền nghề. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân tại làng nghề về văn hóa giao tiếp, đạo đức kinh doanh; mở các khóa bồi dưỡng, học tập nâng cao tay nghề cho lao động, giáo dục cách ứng xử, tiếp xúc giữa dân địa phương với du khách. Cần bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quang, môi trường làng nghề.

Làng nghề truyền thống mây tre đan (nghề đan đát, đươn đát) là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Làng nghề không những giúp lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương mà còn góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên hiện nay làng nghề mây tre đan ở xã Phú Lễ huyện Ba Tri đứng trước những khó khăn thách thức không hề nhỏ về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và lực lượng lao động kế thừa. Để có thể bảo tồn và phát triển làng nghề mây tre đan truyền thống, địa phương cần tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi nông nghiệp tham gia vào làng nghề; xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, xúc tiến thương mại; xây dựng các điểm du lịch gắn với làng nghề; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đào tạo nghề, truyền nghề cho người dân địa phương. Tin tưởng rằng Đảng bộ và Nhân dân xã Phú Lễ sẽ có đủ quyết tâm, hành động quyết liệt hơn nữa để có thể bảo tồn và phát triển làng nghề mây tre đan, một nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Chứ đừng để như câu ca dao mà người dân Phú Lễ hay thường nhắc nhở nhau: “Liệu bề đát đặng thì đươn/ Đừng gầy rồi bỏ thói thường cười chê”, bởi vì làng nghề này không chỉ là sinh kế mà còn là giá trị văn hoá đặc thù của đất và người dân Phú Lễ được truyền qua hàng trăm năm nay.

Tác giả
Thùy Dung - Trường Chính trị tỉnh