Chiều 24/02/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tới điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh có bà Phạm Thanh Tuyền, Phó ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Hải Hà, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Tham dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, thành phố Bến Tre, đại diện lãnh đạo Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Bến Tre và hơn 1.500 đại biểu từ tỉnh đến cơ sở.
Chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, bà Phạm Thanh Tuyền, Phó ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Một số vấn đề cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Bà Phạm Thanh Tuyền- Phó ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng: Công tác triển khai, quán triệt các văn bản của Đảng là việc làm quan trọng đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Sự ra đời của Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là văn bản rất quan trọng để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp triển khai đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, tiếp tục củng cố xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vai trò tích cực trong tuyên truyền, vận động tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thành viên.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong số 5 chức năng của MTTQ, chức năng GS, PBXH có tính chất quan trọng chi phối các chức năng còn lại. Công tác GS, PBXH thực hiện tốt, các nội dung còn lại sẽ mang động lực chung cho sự phát triển của các địa phương, đơn vị và tính xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò làm chủ của người dân tích cực làm cơ sở cho sự phát triển.
“Hội nghị hôm nay vừa quán triệt vừa mang tính tập huấn, định hướng, hướng dẫn các nội dung cốt lõi về công tác GS, PBXH cho hơn 1.500 đại biểu từ tỉnh đến cơ sở. Sau phần triển khai, quán triệt chuyên đề của bà Phạm Thanh Tuyền, Phó ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ là những nội dung trao đổi, đặt vấn đề thêm để đi đến những nội dung triển khai có hiệu quả trong thời gian tới. Mong rằng với sự vào cuộc tích cực, sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự chủ động của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện tốt công tác GS, PBXH trong thời gian sắp tới” - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung lưu ý.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, những tồn tại bất cập, để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Đại biểu tham dự hội nghị
Giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là việc theo dõi, xem xét, đánh giá và kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhằm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Phản biện xã hội là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cùng cấp. Mục đích của phản biện xã hội là góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản.
Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ra mắt Cẩm nang điện tử về công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam các cấp. Cẩm nang tích hợp các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy định của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, những nội dung cụ thể về các bước, các quy trình thực hiện công tác GS, PBXH. Cẩm nang sẽ được triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và trong Nhân dân để làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GS, PBXH trong thời gian tới.