Đan bội kẽm đang phát triển mạnh tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc trong mấy năm vừa qua, vì đây là nghề nhàn rỗi, không cần vốn chỉ tốn công phù hợp với nhiều người kể cả phụ nữ, trẻ em và có nguồn thu nhập ổn định giúp cho hộ vươn lên thoát nghèo.
Điển hình là hộ chị Nguyễn Thị Nguyên gia đình thuộc diện hộ nghèo ấp Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung do thiếu đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê thu nhập không ổn định. Cách nay 3 năm thông qua chi hội phụ nữ ấp giới thiệu chị tham dự lớp học nghề đan bội kẽm. Hoàn thành khóa học, không chỉ được tiếp cận về kỹ thuật, chị Nguyên còn được hỗ trợ bộ dụng cụ dùng cho đan bội tại gia đình gồm: khung, kiềm, cân, kéo … Chị có thêm việc làm mới- nghề đan bội kẽm. Mỗi ngày sau khi thực hiện công việc gia đình, chị dành thời gian hơn 6 tiếng để đan bội, bình quân một ngày chị đan từ 4-5 cái bội loại 1 mét, được trả công 17 ngàn đồng/cái, chị có thu nhập hơn 60 ngàn đồng/ngày. Kể từ đó chị có cuộc sống đở vất vã hơn, gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo. Chị Nguyên cho biết: “so với các nghề khác, nghề đan bội vốn nhàn rỗi hơn nhiều, nghề này không dầm mưa phơi nắng chỉ làm ở trong mát, thích hợp đối với phụ nữ vừa chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái”.
Nghề đan bội kẽm tại xã Phước Mỹ Trung ra đời cách nay hơn 5 năm, ngày đầu sản xuất nhằm đáp ứng theo nhu cầu của các hộ chăn nuôi gà tại địa phương, trở về sau bội kẽm xã Phước Mỹ Trung được tiêu thụ mạnh ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay nghề đan bội kẽm đã phát triển mạnh tại xã Phước Mỹ Trung nhưng tập trung nhiều nhất ở ấp Phước Lý, Phước Hậu. Nếu như 5 năm trước, số hộ tham gia nghề đan bội tại Phước Mỹ Trung chỉ dừng lại ở con số vài chục người đến nay tăng lên đáng kể. Toàn xã có 4.203 hộ dân thì có hơn 1/3 số hộ tham gia đan bội. Bình quân một ngày mỗi hộ gia đình đan hơn 5 cái bội, được trả công từ 15 đến 22 ngàn đồng/cái bội, tùy vào kích cỡ, có thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/hộ/tháng. Do số hộ gia đình tham gia nghề đan bội kẽm tại xã Phước Mỹ Trung gia tăng, nên nhu cầu về nguyên vật liệu (đa phần những hộ làm nghề đan bội là hộ nghèo, gặp khó khăn về vốn, họ chỉ làm gia công) và tìm kiếm thị trường cũng tăng theo. Từ đó đại lý, cơ sở chuyên phân phối dây kẽm xã Phước Mỹ Trung cũng gia tăng, từ 3 đại lý ban đầu đến nay có hơn 5 đại lý. Một đại lý có hơn 200 lao động tham gia. Bình quân mỗi ngày tại các đại lý tiếp nhận khoảng 700 cái bội cung cấp về các tỉnh trong nước.
Chị Đỗ Thị Soàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Nghề đan bội kẽm tại Phước Mỹ Trung đã góp phần gỉai quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 3 ngàn lao động ở địa phương, trong đó lao động nữ chiếm đa số, kéo giảm hộ nghèo do nữ làm chủ hộ, mô hình không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi mà còn tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, an ninh trật tự xã hội…”.