Tỉnh Bến Tre tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Tỉnh Bến Tre hiện có 09 tôn giáo với 14 tổ chức được nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo trên địa bàn 09/09 huyện, thành phố, bao gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hoà hảo, Minh Sư đạo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ ân Hiếu Nghĩa, Bửu sơn Kỳ Hương và Cao đài; số lượng tín đồ khoảng 233.130 người, chiếm 17,93% dân số toàn tỉnh. Chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo tại 539 cơ sở tôn giáo và 09 địa điểm thuê, mượn làm nơi đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo trực thuộc và 49 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 777 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 345 miếu, 223 đình, 163 đền, 09 nhà thờ họ, 08 lăng và 29 loại hình tín ngưỡng khác; có 44 cơ sở tín ngưỡng được công nhận di tích, gồm 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đến nay việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ và các văn bản văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh) được UBND tỉnh tăng cường, chỉ đạo thực hiện tốt, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tỉnh Bến Tre đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính, tham mưu giải quyết 475 hồ sơ trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ, trong đó có 425 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, hình thức tiếp nhận chủ yếu gián tiếp qua bưu chính công ích và trực tiếp công chức tiếp nhận và trả kết quả của Bộ phận một cửa, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính như trên đã thể hiện sự quyết tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc thi hành pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tạo được niềm tin của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo về chính sách, pháp luật và trách nhiệm của cơ quan thi hành pháp luật; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong công tác lãnh đạo, điều hành và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hội nghị tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tỉnh Bến Tre

Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch số 19/KH-BTG ngày 02/10/2020 tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản có liên quan tín ngưỡng, tôn giáo của Trung ương và của tỉnh đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo và Kế hoạch số 23/KH-BTG ngày 08/10/2020 phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm công tác tôn giáo thuộc cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã triển khai tổ chức 21 cuộc Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 2.566 lượt người tham dự trên địa bàn tỉnh.

Hội thánh Cao đài Tiên Thiên khai giảng lớp tu sĩ Khóa I Học viện Cao đài

Ngoài ra, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp với các tổ chức tôn giáo như: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Hội thánh Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo để phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP; hướng dẫn thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho 2.430 lượt chức sắc, tín đồ thông qua các khóa đạo tràng, an cư kiết hạ của Phật giáo, các lớp hạnh đường của đạo Cao đài, lớp giáo lý căn bản của Phật giáo Hòa Hảo. Công tác phổ biến pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo luôn kịp thời, hiệu quả. Qua công tác tuyên truyền, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, từ đó các hoạt động của tổ chức tôn giáo tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước.

Cũng trong thời gian này, theo thẩm quyền được phân cấp, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) đã chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo bổ nhiệm 1.847 chức chức sắc, chức việc, thông báo phong phẩm 520 chức sắc, bãi nhiệm 51 chức sắc, chức việc, thuyên chuyển 64 chức sắc mở 23 lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo, 136 tổ chức và tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ; thống nhất chủ trương xây dựng, sửa chữa 49 cơ sở tôn giáo. Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ thống nhất việc hướng dẫn Giáo hội Cao đài Ban Chỉnh đạo và Tiên Thiên tổ chức thành công Đại hội Hội thánh.

Các địa phương cấp huyện chấp thuận việc tổ chức đại hội Phật giáo; Đại hội nhơn sanh cấp cơ sở (Cao đài); Ban Trị sự Phật Giáo cấp huyện; tiếp nhận danh mục thông báo hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm hoặc bổ sung hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trên địa bàn cấp huyện. Cấp xã thực hiện theo thẩm quyền, chấp thuận 49 hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (theo Điều 16, Điều 17 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo); tiếp nhận danh mục thông báo hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm (hoặc) bổ sung hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trên địa bàn cấp xã.

Đối với việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, các cơ sở tín ngưỡng đều được UBND các xã, phường, thị trấn thành lập ban quản lý và đi vào hoạt động ổn định, chịu trách nhiệm về công tác quản lý trước chính quyền và Nhân dân địa phương. Những cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, có hoạt động lễ hội lớn được xếp là di sản văn hóa được quản lý theo quy định pháp luật và bảo vệ di sản văn hóa, tổ chức và quản lý lễ hội.

Sở Nội vụ tổ chức 15 cuộc thanh tra chuyên ngành. Ban Tôn giáo tổ chức 14 cuộc kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương được thực thi đúng pháp luật, giải quyết các nhu cầu chính đáng về hoạt động, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương. Các tổ chức, cá nhân các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, ở một số địa bàn cấp xã, thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo chưa thực hiện đúng quy trình về nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa, Sở Nội vụ tỉnh đã hướng dẫn chính quyền sở tại thực hiện nghiêm túc hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Qua 06 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo luôn được quan tâm chỉ đạo; văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tôn giáo được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và quy định của Trung ương, làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện kịp thời bằng nhiều hình thức; công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức thường xuyên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo, công chức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Công tác thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành đã quan tâm xem xét, giải quyết nhu cầu chính đáng của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đúng quy định của pháp luật; Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng nâng cao, đã hạn chế được vi phạm xảy ra; nhiều vụ việc về nhà, đất liên quan đến tôn giáo đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Việc thực hiện thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh cơ bản đúng quy định về thời gian, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết, đáp ứng yêu cầu của tổ chức tôn giáo. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ trên địa bàn tỉnh diễn ra thuần túy, ổn định, đúng quy định pháp luật và hiến chương của các tổ chức tôn giáo. Các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội diễn ra theo chương trình đã đăng ký, an toàn, đảm bảo an ninh trật tự. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo, ban quản lý, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng cơ bản chấp hành và tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, các phong trào, cuộc vận động của địa phương, gắn bó với chính quyền.

Mặc dù, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 với nhiều điểm mới đáng ghi nhận như nêu trên, nhưng đời sống tôn giáo của các tổ chức, tín đồ tôn giáo luôn có sự thay đổi, đặc biệt với xu thế mở cửa và hội nhập hiện nay, sự giao lưu quốc tế ngày càng thuận tiện,…Do đó việc  rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là việc làm cần thiết và cũng là giải pháp đầu tiên giúp cho việc thực hiện pháp luật về tôn giáo đạt hiệu quả ngày càng cao hơn. Trên cơ sở đó,  ngày 29/12/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG (có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2024) thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017./.

Tác giả
Đoàn Việt