Phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Phương án đề xuất Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Tây Bắc, thành phố Bến Tre

Ngày 12/10/2021 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết về việc thông qua phương án đề xuất Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Tây Bắc, thành phố Bến Tre.

 Dự án này năm 2019 HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND,  ngày 6/12/2019  với tên gọi: Dự án chỉnh trang phát triển đô thị mới khu vực Tây Bắc thành phố Bến Tre. Nay đã có một số phát sinh làm ảnh hưởng đến nội dung và các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết cũ, nhất là liên quan đến dự án đường vào cầu Rạch Miễu 2 và quy định của Nghị định số 49/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 của Chính phủ về yêu cầu bố trí đất nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn nên cần có Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND trước đây của HĐND là phù hợp và cần thiết.

Họp Hội đồng phản biện xã hội

Đây là Dự án có quy mô rất lớn (về diện tích với  khoảng 487,38 ha và quy mô dân số khoảng 51.000 người) nên không thuộc thẩm quyền quyết định việc thông qua phương án đầu tư của Hội đồng nhân dân tỉnh. Vì theo quy định tại Điều 31- Luật Đầu tư năm 2020 về thẩm quyền chấp thuận đầu tư thì Dự án đầu tư có quy mô diện tích dưới 50ha và quy mô dân số dưới 15.000 người ở đô thị; dưới 100ha và quy mô dân số dưới 10.000 người ở nông thôn thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; Dự án đầu tư có quy mô diện tích trên 50ha và quy mô dân số trên 15.000 người ở đô thị, trên 100ha và quy mô dân số trên 10.000 người ở nông thôn thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Việc thực hiện đúng thẩm quyền là yêu cầu đầu đầu tiên trong thực hiện pháp luật, nên cần cân nhắc để thực hiện đúng. 

Theo quy định của những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về quản lý đầu tư phát triển đô thị thì không quy định việc Hội đồng nhân dân tỉnh phải ra Nghị quyết thông qua phương án đề xuất Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới mà thẩm quyền và trách nhiệm quyết định đầu tư thuộc về Chính phủ và Ủy ban nhân dân tùy theo quy mô diện tích và quy mô dân số ở đô thị và ở nông thôn theo quy định để xác định thẩm quyền.

          Tuy nhiên việc Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết để chia sẻ trách nhiệm và là cơ sở giám sát việc thực hiện các Dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới cũng có ý nghĩa tác dụng trong lĩnh vực mới rất phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của đông đảo người dân.

Về đất tái định cư: nhận thấy số hộ có nhu cầu tái định cư khá lớn (2800 hộ), và theo quy định phải bảo đảm bố trí tái định cư xong mới giải tỏa; do đó, để sớm ổn định chỗ ở cho hộ bị thu hồi đất và tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị ưu tiên xây dựng nhà ở tái định cư trước.

Về tác động của dự án: Dự án đề xuất xác định không thể bố trí toàn bộ 3200 hộ tái định cư theo hình thức nhà liền kề mà chỉ có thể bố trí khoảng 19,8 ha đất ở liền kề để bố trí cho 1.700 lô tái định cư và 4,1 ha đất ở dạng chung cư, bố trí được gần 1500 căn hộ phục vụ tái định cư. Đề xuất này không phù hợp với nguyên tắc về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định trong Luật Đất đai. Vì đặc điểm dân cư vùng dự án đa số là đang có quyền sử dụng đất hợp pháp với diện tích rất rộng, chủ yếu là đất nông nghiệp, cuộc sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nếu bị thu hồi đất vào ở trong chung cư thì người dân bị đảo lộn cuộc sống rất lớn, không còn kế sinh nhai, không còn không gian sống truyền thống, việc đền bù theo giá đất nông nghiệp thấp, không đủ đầu tư nơi ở mới bằng với nơi ở cũ, tương lai bất ổn cho những đối tượng yếu thế không thể tạo lập công việc mới, nguy cơ phân hóa xã hội và bần cùng hóa một bộ phận người dân là hiện hữu. Dự án có phần diện tích bao trùm nguồn nước (Kênh Xáng) là nguồn tài nguyên cho nhà máy nước Sơn Đông sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Vì vậy cần phải đánh giá tác động kỹ để đảm bảo khi thực hiện dự án không làm ô nhiễm nguồn nước.

Về thủ tục thực hiện Dự án, Nhà nước phải ký hợp đồng với nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, pháp luật xây dựng, pháp luật đất đai để phát sinh, thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa đôi bên và là căn cứ xác định trách nhiệm khi có vi phạm, tranh chấp xảy ra. Vì vậy, đòi hỏi việc quản lý phải chặt chẽ từ ban đầu, ngay từ khâu thủ tục để hạn chế những hậu quả xấu về sau.

Qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan, Hội đồng phản biện đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản quan tâm một số vấn đề:

Đối chiếu với các dự án trên địa bàn tỉnh và các dự án đã và đang triển khai trên các tỉnh, thành lân cận cho thấy hầu hết các dự án khu đô thị được triển khai rất chậm, vì vậy có thể kéo dài hơn nữa (việc này có nhiều nguyên nhân), điều này cho thấy sẽ gây ra hệ lụy lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong vùng dự án, nhất là làm triệt tiêu nguồn lực trong Nhân dân về phát huy lợi thế quyền sử dụng đất bằng các hình thức theo quy định của pháp luật (không dám đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà cửa, chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất….) việc khiếu kiện phức tạp sẽ xảy ra, bất ổn rất dễ hình thành vì vậy đề nghị cơ quan quản lý và chủ đầu tư cần xác định kỹ năng lực thực tế và giải pháp căn bản để giải quyết có hiệu quả nhất.

Cần có chính sách đền bù cho thỏa đáng để khuyến khích, động viên Nhân dân trong vùng dự án (không áp dụng như việc thu hồi đất của các dự án về kinh tế, quốc phòng… do nhà nước làm chủ đầu tư) nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân yên tâm sinh sống.

Khi triển khai đầu tư: Khu đô thị cần được tổ chức phù hợp với việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cả về kinh tế, xã hội thật hài hòa như: tỷ lệ sử dụng đất của các công trình, y tế, trường học, công viên cây xanh, trung tâm vui chơi, khu thương mại dịch vụ; tỷ lệ đất giao thông, vỉa hè, chiếu sáng, điện, nước, thoát nước và hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy v.v... cần được bố trí tại các địa điểm và có tỷ lệ phù hợp. Mặt khác cần quan tâm đến tính thẩm mỹ và tính hiện đại phù hợp với môi trường biến đổi khí hậu hiện nay.

Đề nghị Nhà đầu tư phối hợp địa phương cần lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng, nhất là số hộ bị tác động để có phương án đền bù, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống Nhân dân.

Từ những đánh giá trên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết, nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế và quy định của pháp luật, góp phần cho sự phát triển đô thị của tỉnh nhà./.

Tác giả
Phan Lê