Diễn biến xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính vào tháng 3/2024, hầu hết các nhà máy nước nông thôn đều nhiễm mặn ảnh hưởng đến phục vụ trong sinh hoạt và không thể dùng nấu ăn, uống. Thậm chí có một số nhà máy ngưng cấp nước do nguồn lấy nước của các nhà máy có độ mặn trên 8‰. Giữa lúc ấy, với sự san sẻ và lan tỏa yêu thương, nhân dân Bến Tre đã tiếp nhận nước ngọt miễn phí từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
* Những chuyến xe nghĩa tình đầu tiên
Đoàn hỗ trợ nước ngọt tỉnh Tây Ninh gồm các tăng, ni, phật tử, văn nghệ sĩ, người dân ở Tây Ninh là một trong những đoàn đến hỗ trợ nước ngọt cho tỉnh Bến Tre đầu tiên trong mùa hạn mặn. Không phân biệt thành phần, sở thích, các thành viên trong đoàn cho biết họ đến các xã Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh và thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, Bến Tre vì biết nơi đây đang thiếu nước ngọt để ăn uống vì ảnh hưởng khắc nghiệt của hạn mặn. Không quản ngại đường xa, đoàn xe của Tây Ninh đã vượt hơn 150 cây số để mang về Ba Tri hơn 2.000 lốc nước lọc, 1.000 bình nước (loại 20 lít/bình) và hơn 40m3 nước ngọt (đã qua xử lý đảm bảo dùng trong nấu ăn và uống).
Tây Ninh là một trong những đoàn đến hỗ trợ nước ngọt cho tỉnh Bến Tre đầu tiên trong mùa hạn mặn. Ảnh: Cẩm Trúc
Tại UBND xã Mỹ Nhơn, gần 11 giờ trưa, bà con đã có mặt đợi nhận nước. Dù nắng nóng gay gắt, đông người chen chúc, mồ hôi nhễ nhại nhưng không ai thấy mệt hay buồn phiền vì đoàn chở nước đến trưa, mỗi người đều khẩn trương, loay hoay với can, thùng nước chất lên xe để chở về.
Bà con mang can, thùng đến nhận nước. Ảnh: Cẩm Trúc
Bà Phan Thị Cúc, 68 tuổi, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri mừng rỡ cho biết, gia đình bà thường mua nước suối với giá mỗi bình 10 ngàn đồng, 1 bình uống được vài ngày. Đây là lần đầu bà nhận nước miễn phí. Nhận được nước, bà sẽ nhờ người chở giúp về nhà để cùng với người mẹ hơn trăm tuổi của mình sử dụng trong những ngày nắng hạn.
Người dân vui mừng khi nhận được những bình nước suối miễn phí. Ảnh: Cẩm Trúc
Tam Hiệp (Bình Đại) là một trong các xã đảo của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhu cầu nước ngọt trong mùa khô hàng năm do chịu tác động mặn xâm nhập. Riêng năm nay, xâm nhập mặn đến sớm hơn nửa tháng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương. “Thời gian qua, UBND xã cũng vận hành 3 máy lọc nước RO để cung cấp nước sinh hoạt cho hộ dân. Bên cạnh đó, các hộ dân tự chủ động trữ nước bằng túi nylon, đào ao. Tuy nhiên, do hạn mặn sâu và kéo dài nên nguồn nước của nhân dân tích trữ dần cạn kiệt, gặp không ít khó khăn”, Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ. Ngày 22/4/2024, Tập đoàn Tân Á Đại Thành phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và địa phương tổ chức trao 20 bồn, 6 máy lọc nước cho 3 điểm trường tại xã Tam Hiệp, qua đó kịp thời tiếp nước cho người dân địa phương.
Tập đoàn Tân Á Đại Thành phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và địa phương tổ chức trao 20 bồn, 6 máy lọc nước
cho 3 điểm trường tại xã Tam Hiệp. Ảnh: Cẩm Trúc
Tập đoàn Tân Á Đại Thành trao máy lọc nước và bồn chứa nước cho các xã Phú Thuận, (huyện Bình Đại), Tân Lợi Thạnh, Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm).
Ảnh: Cẩm Trúc
* Tặng nước tận nhà
Xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông là 2 xã vùng sâu nằm trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Trong thời gian qua, vào thời điểm nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, người dân trên địa bàn của 2 xã trên nói riêng và huyện Giồng Trôm nói chung thiếu nước ngọt trầm trọng. Từ thực tế nêu trên, nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân tăng cao. Tại địa phương xuất hiện nhiều xe chở nước ngọt để đổi cho người dân sử dụng. Tuy nhiên giá đổi nước tương đối cao, gây khó khăn cho bà con. Mặc dù chính quyền địa phương có quan tâm hỗ trợ, Nhà máy nước Tân Hào có chủ động cung cấp nước ngọt cho người dân qua hệ thống RO, nhưng số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Để giúp người dân giải quyết nhu cầu về nước ngọt trong việc sinh hoạt cũng như giảm được chi phí trong việc đổi nước ngọt, chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Giồng Trôm đã chủ động vận động các mạnh thường quân tổ chức các đoàn xe chở nước ngọt đến các tuyến lộ xã, để phát miễn phí cho người dân. Mỗi hộ dân có thể mang theo dụng cụ trữ nước để lấy nước về. Tuy nhiên, do việc vận chuyển tốn nhiều chi phí, thời gian và không hiệu quả, nên chị Hằng đã phối hợp các mạnh thường quân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để bơm nước ngọt thô vào các nhà máy xử lý để cấp nước ngọt trực tiếp đến từng nhà dân (có tham gia hệ thống nhà máy nước nông thôn). Đây là cách làm khoa học và thiết thực đối với từng hộ dân, đảm bảo các gia đình đều có nước sử dụng. Đặc biệt là tiết kiệm công vận chuyển; đối với những hộ người già, neo đơn vẫn có nước sạch về đến tận nhà để sử dụng.
Chị Hằng (áo đỏ) vận động các đơn vị chở nước thô từ sà lan về 3 Nhà máy nước của của Giồng Trôm. Ảnh: Cẩm Trúc
Theo Quản lý trưởng khu vực Giồng Trôm Lê Văn Vũ, từ tháng 3/2024, độ mặn ở khu vực nước nguồn lấy vào nhà máy đã lên 8‰, nhà máy đã ngưng cấp nước. Nguồn nước ngọt cạn kiệt. Khoảng giữa tháng 4-2024, nhà máy có đợt bơm nước ngọt 4 sà lan vào hệ thống cho bà con trữ nước sử dụng, tuy nhiên không đủ. Được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện Giồng Trôm, các đoàn từ thiện đã đến Nhà máy nước Tân Hào để cho nước, đảm bảo đến hộ cuối tuyến ống cũng có nước ngọt. Hệ thống nhà máy nước Tân Hào cấp nước cho địa bàn 6 xã: Tân Thanh, Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông (21,22%), Hưng Lễ. Trong đó, Thạnh Phú Đông và Hưng Lễ chỉ cấp được một số hộ dọc tuyến lộ chính, số đông hộ còn lại vẫn phải đến các điểm cấp nước miễn phí ở xã để lấy.
Đến ngày 13/5/2024, ước tổng khối nước thô sà lan cung cấp cho 3 nhà máy nước Tân Hào, Lương Phú và Phước Long là 70.100 khối.
Sà lan chở nước ngọt hòa mạng nước máy cấp cho người dân.
* Tri ân những tấm lòng
Những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm, đợt nắng nóng kỷ lục trong lịch sử càng khiến người dân Bến Tre vất vả hơn do khan hiếm nước ngọt dự trữ. Những giọt nước nghĩa tình của các tỉnh, thành trong nước đã cùng “chảy” xuôi về miền Tây yêu thương, trong đó có tỉnh Bến Tre. Hơn lúc nào hết, việc san sẻ nước ngọt trong thời điểm này đã nêu bậc nghĩa cử “tương thân tương ái”, tinh thần đoàn kết, cùng đồng lòng hỗ trợ đồng bào miền Tây đang đối mặt với hạn mặn khốc liệt.
Người dân vui mừng đến nhận nước do Hội Nông dân TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước hỗ trợ. Ảnh: Cẩm Trúc
Công ty Biwase trao nước cho bà con xã Vĩnh Hòa (Ba Tri). Ảnh: Cẩm Trúc
Hội từ thiện chùa Tường Nguyên tặng nước, bồn chứa nước và nhu yếu phẩm cho bà con vùng hạn mặn. Ảnh: Cẩm Trúc
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh vận động Công ty Tân Hiệp Phát tặng nước cho bà con các trên địa bàn huyện Châu Thành và Ba Tri. Ảnh: Cẩm Trúc
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Bến Tre 500 triệu đồng mua bồn tặng cho người dân. Ảnh: Cẩm Trúc
Người dân An Hiệp, Ba Tri nhận bồn chứa nước (loại bồn 500 lít) do đoàn Tây Ninh hỗ trợ kinh phí. Ảnh: Cẩm Trúc
Bà Đặng Thị Phượng - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre: Qua việc điều tiết nguồn lực hỗ trợ và tổng hợp từ các huyện, thành phố đến ngày 9/5/2024 trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 486 điểm cấp nước miễn phí, tiếp nhận 19 máy lọc nước, 1.559 bồn chứa nước từ 500 lít trở lên, 200.303 bình nước uống (loại 20 lít), trên 727.300 chai nước uống, trên 39.483 khối nước ngọt, 187.500.000 đồng, trên 36.692 can nhựa loại 30 lít, trên 6.654 phần quà (nhu yếu phẩm), tổng giá trị quy thành tiền trên 28,3 tỷ đồng, có trên 1953 lượt tổ chức, cá nhân hỗ trợ, trên 207.871 người dân được thụ hưởng.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và Tây Ninh chúc mừng người dân xã An Hiệp có thêm dụng cụ trữ nước. Ảnh: Cẩm Trúc
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng nhân dân tỉnh Bến Tre ghi nhận, tri ân sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã giúp người dân của tỉnh giảm bớt phần nào khó khăn trong đợt hạn mặn này và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quý vị đối với người dân tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.
Và còn nhiều tấm lòng mạnh thường quân đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh vẫn đang tiếp tục hành trình chia sẻ những giọt nước nhân văn, nặng tình. Đây là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống của dân tộc ta về tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng hỗ trợ, đùm bọc, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Những chuyến xe giọt nước nghĩa tình giúp người dân Bến Tre vơi bớt khó khăn, vượt qua hạn mặn.