Tọa đàm bàn giải pháp vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Nhằm tạo điều kiện để cán bộ MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, các ngành và người dân cùng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, cùng bàn bạc, thảo luận tìm ra những giải pháp để tổ chức vận động Nhân dân tham gia xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, tập trung các tiêu chí số 2,13,17,19; góp phần thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Cuối tháng 11/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức tọa đàm bàn giải pháp vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2022 tại 05 xã (Tân Lợi Thạnh-Giồng Trôm; Phước Ngãi-Ba Tri; Tiên Thủy-Châu Thành; Thừa Đức-Bình Đại; An Thuận-Thạnh Phú).

Tham dự tọa đàm có đại biểu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ngành tỉnh, đại biểu các địa phương tổ chức tọa đàm, đặc biệt là gần 500 người dân đại diện các hộ gia đình tham dự.

Một buổi tọa đàm xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

Tham luận tại các buổi tọa đàm cho thấy, quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng từ kinh phí xã hội hóa và nhà nước hỗ trợ đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất đi lại của nhân dân, qua đó diện mạo nông thôn được đổi mới, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, cảnh quan môi trường được cải thiện rõ rệt. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhất là vai trò gương mẫu của hội viên, nông dân tham gia thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương. Cùng với đó, để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, MTTQ cùng với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp, sát với tình hình thực tế tại địa phương và khả năng, điều kiện của hội viên, nông dân tạo sự thống nhất tập trung thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu nhiệm vụ được phân công.

Hiện nay các địa phương cũng còn khó khăn như: Hệ thống đường liên ấp, tổ trên địa bàn cần cải tạo lại còn rất nhiều mà nguồn lực thì hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Việc vận động các hộ dân tham gia vào thành viên hợp tác xã chưa đạt yêu cầu, kinh tế nông nghiệp phát triển nhưng thiếu tính bền vững, hình thức tổ chức sản xuất chưa phát huy được hiệu quả, vẫn còn phổ biến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân, ô nhiễm môi trường còn phức tạp.

Từ những khó khăn trên, đại biểu đưa ra các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Tập trung tuyên truyền sâu nội dung các tiêu chí chưa đạt theo thực tế của từng địa phương thiết thực và hiệu quả. Xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, tổ liên kết sản xuất có hiệu quả cao để nhân rộng. Tích cực vận động người dân có điều kiện đăng ký, tham gia các lớp dạy nghề phù hợp để nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề từng bước nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình, nhất là hộ nghèo và cận nghèo; phối hợp ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân xây dựng thêm hồ chứa nước mưa, tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước máy; vận động mỗi hộ gia đình có từ 02 sọt rác và hố rác để phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt; tuyên truyền các hộ chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; định kỳ 2 tháng kiểm tra, phúc tra và kiểm tra đột xuất. Xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; tăng cường áp dụng chế tài theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Phối hợp vận động người dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh, dọn dẹp cảnh quang môi trường xung quanh. Đa dạng hóa các giải pháp huy động nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ địa phương, thực hiện tốt quy chế dân chủ, xây dựng kế hoạch tổ chức họp dân lấy ý kiến trao đổi bàn bạc, thống nhất triển khai thực hiện các công trình và sau khi công trình hoàn thành phải làm tốt công tác công khai dân chủ để dân biết từ đó tạo được lòng tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Phát biểu tại các cuộc tọa đàm, chủ trì hội nghị ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Thông qua buổi tọa đàm, MTTQ Việt Nam xã tổng hợp các giải pháp cần thực hiện tham mưu cấp ủy địa phương tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình lãnh, chỉ đạo công tác xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí xã Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2076/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre./.

Tác giả
Mỹ Hằng