Kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân tỉnh nhà gởi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV; từ ngày 02/10 đến ngày 08 tháng 10 năm 2018, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phối hợp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri tại 08 huyện và thành phố Bến Tre để đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ sáu Quốc hội XIV với cử tri; đồng thời lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương.
Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp xúc cử tri các xã Bình Thắng, Bình Thới và Thị trấn Bình Đại .
Qua 09 Hội nghị tiếp xúc cử tri với 1.446 cử tri tham dự, phát biểu 58 ý kiến với một số vấn đề quan tâm như:
Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương quan tâm về công tác cán bộ, việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp bộ máy; tronglĩnh vực phòng, chống tham nhũng, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý và sử dụng đất đai, về chế độ chính sách cho người có công, vấn đề ô nhiễm môi trường... để kịp thời có các giải pháp quản lý, giải quyết hiệu quả.
Hiện nay, do sản phẩm dừa trái của Bến Tre phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thương lái Trung Quốc không thu mua, giá dừa khô giảm mạnh làm ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập người trồng dừa. Cử tri kiến nghị Nhà nước có giải pháp tìm đầu ra cho trái dừa.
Về vấn đề giáo dục, cử tri lo ngại về tình hình cải cách giáo dục như hiện nay, việc thường xuyên thay đổi sách giáo khoa làm tăng áp lực tài chính cho các bậc phụ huynh. Cử tri đề nghị ngành giáo dục cần đánh giá lại hiệu quả công tác cải cách giáo dục để người dân an tâm. Cử tri và Nhân dân rất băn khoăn về các chương trình thí điểm giáo dục trong thời gian qua. Bởi vì, nếu thí điểm không thành công sẽ ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ. Người dân đề nghị ngành giáo dục cần phải đánh giá kết quả các chương trình thí điểm trong thời gian qua, việc thí điểm các chương trình dạy học cần phải cân nhắc thận trọng, không nên thí điểm trên con người, nhất là đối với trẻ em.
Thời gian qua Nhà nước có nhiều quan tâm, nổ lực trong quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm, trong đó đã ban hành Nghị định quy định xử phạt các trường hợp dạy thêm không đúng quy định. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn không giảm. Người dân cho rằng, việc quản lý, xử phạt các trường hợp dạy thêm chỉ là “phần ngọn” của vấn đề, nguyên nhân chính của tình trạng này là do áp lực thi cử, chạy theo thành tích. Hiện nay, chương trình thi quá nặng nề và cao hơn chương trình học ở trường nên học sinh và phụ huynh không an tâm, dẫn đến nhu cầu học thêm của học sinh. Cử tri đề nghị ngành giáo dục cần nghiên cứu, quy định chương trình, nội dung các kỳ thi cần phù hợp với nội dung, chương trình học, đề thi phải sát với chương tình học của các cấp, đảm bảo tính khoa học để đánh giá trình độ học tập của học sinh một cách khách quan, giảm áp lực học tập, thi cử, kéo giảm tình trạng dạy thêm, học thêm.
Về tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, cử tri và Nhân dân cho rằng nước ta đang thực hiện việc tinh giảm biên chế từ Trung ương đến địa phương, đây là việc làm có hiệu quả và thiết thực giúp tinh gọn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, không nên thực hiện tinh giảm biên chế mang tính chất cào bằng, mà cần phải đánh giá cụ thể vị trí việc làm của từng ngành, lĩnh vực theo nhu cầu phát triển của xã hội để đảm bảo đạt hiệu quả. Một số ngành như Tòa án, Y tế (bác sĩ ở các bệnh viện) thì cần xem xét thận trọng khi thực hiện tinh giảm biên chế, vì hiện nay biên chế thiếu, nhưng nhu cầu xã hội lại rất cao.
Một trong những vấn đề lớn được cử tri và Nhân dân quan tâm đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải của các bao bì nhựa chưa được xử lý một cách có hiệu quả. Cử tri cho rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, do vậy kiến nghị Nhà nước cần sớm có biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên chưa đảm bảo công bằng, cùng là độ tuổi như nhau, tuy nhiên những người 80 tuổi trở lên hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp hàng tháng diện chính sách người có công, hưởng trợ cấp xã hội, … thì không được hưởng chính sách trợ cấp người cao tuổi hàng tháng của nhà nước, đây là vấn đề mà Nhân dân quan tâm phản ánh nhiều trong thời gian qua nhưng chưa được xem xét. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề này và bổ sung quy định những người 80 tuổi đều được hưởng chính sách trợ cấp cao tuổi như nhau.
Đối với các hộ dân thuộc xã bãi ngang ven biển, nhà nước có chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, cần điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp hơn vì hiện nay trong một xã bãi ngang một số hộ có điều kiện kinh tế nhưng nhà nước vẫn hỗ trợ như: cấp thẻ BHYT và miễn giảm học phí cho con em các gia đình thuộc xã bãi ngang, như vậy là chưa phù hợp. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi chính sách theo hướng hỗ trợ cho các gia đình thuộc xã bãi ngang thật sự khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn…còn các gia đình có điều kiện về kinh tế thì Nhà nước không hỗ trợ. Phần hỗ trợ đối với đối tượng đủ điều kiện kinh tế để lại xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ tiền duy tu bảo dưỡng đối với các công trình tại các xã bãi ngang ven biển.
Cử tri và nhân dân cho rằng hiện nay một số đối tượng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước đóng như: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thân nhân lực lượng vũ trang, cựu chiến binh,…Tuy nhiên, đối tượng này là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì vẫn phải đóng BHYT bắt buộc là chưa thật sự phù hợp. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Luật bảo hiểm y tế theo hướng không bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức là thân nhân người có công cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang phải mua BHYT của cán bộ, công chức, viên chức vì các đối tượng này đã hưởng chế độ BHYT dành cho thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang.
Ngoài các ý kiến nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến các cơ quan chức năng, UBND các cấp trong tỉnh như việc quản lý và khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản, nhất là vấn đề khai thác cát; vấn đề tín dụng đen, hụi, các tệ nạn xã hội, chính sách đối với người có công…, các ý kiến trên đều được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tiếp thu và giải trình cụ thể tại buổi tiếp xúc.