
Nhà sàn đơn sơ của Bác
Ngày 19/5 hằng năm là ngày kỷ niệm thiêng liêng, trọng đại với người Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế. Đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay đã 134 năm trôi qua (19/5/1890 – 19/5/2024), chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ Người với những đức tính cao quý, tốt đẹp, suốt đời cống hiến, hy sinh, phấn đấu vì dân, vì nước, chẳng một phút giây lo cho chính bản thân mình.
Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hành phúc của quốc dân”[1]. Trong suốt cuộc đời hoạt động, Người đã thực hiện một cách mẫu mực những phẩm chất đạo đức do mình đặt ra, trong đó, phẩm chất thực hành tiết kiệm và đức tính giản dị là vô cùng quý báu. Điều đáng quý là Bác tiết kiệm không phải để dành cho Bác mà Bác luôn quan tâm, lo lắng cho mọi người nhất là những chiến sĩ và nhân dân lao động. Còn những điều giản dị từ đôi dép cao su, bộ quần áo Bác mặc, chiếc xe dành để phục vụ Bác, ngôi nhà Bác ở, phong bì thư dùng để gửi hai lần hay hũ gạo cứu đói… đều là vì dân, vì nước.
Câu chuyện thật cảm động về sự giản dị và tiết kiệm: Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Bà kể rằng:
Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hòa bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.
Bà Liên còn kể thêm: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà: Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà: Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Hình ảnh chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội đã chỉ cho chúng ta thấy Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu.
Hay câu chuyện kể về đôi dép của Bác được “ra đời’’ vào năm 1947, nó được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác. Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép, xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép...
Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin’’ Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được”. Một người đứng đầu chính phủ, ấy vậy mà lại không có được đôi dép đẹp, sang trọng để mang, nó không đẹp, không sang trọng không có nghĩa là Chính phủ không mua nỗi cho Bác một đôi, mà vì Bác nói: Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su là để tiết kiệm.
Hòa bình lặp lại, mùa Hè năm 1958 khi Bác về Hà Nội, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc được giao thiết kế ngôi nhà ở cho Bác. Ông kể lại: Chính phủ cần xây dựng cho Bác một biệt thự sang trọng mới xứng đáng với công lao của Bác, thế nhưng Bác nói: “Bác không phải là vua quan nên không thể ở trong những ngôi nhà sang trọng như chú vẽ đây. Chú thiết kế cho Bác ngôi nhà ở phía bên kia bờ ao, giống như nhà sàn Việt Bắc trước kia Bác đã ở. Chú xem nên làm thế nào thật đơn giản, chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc nhỏ thôi, không cao lắm, không cầu kỳ”.
Bác nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu nhi vào chơi có đủ chỗ ngồi. Như vậy, là tiết kiệm, tiện sử dụng… Theo Người: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”.
Mẫu chuyện kể về “Đạo đức người ăn cơm”, qua lời kể của một chiến sĩ bảo vệ:
Thứ nhất, Bác không bao giờ đòi hỏi là Chủ tịch nước phải được ăn thứ này, thứ kia. Kháng chiến gian khổ đã đành là Bác sống như một người bình thường, nhưng khi hòa bình lập lại có điều kiện Bác cũng không muốn coi mình là “vua” có gì ngon, lạ là “cống, hiến”.
Thứ hai, món ăn của Bác rất giản dị, toàn các món dân tộc, tương cà, cá kho... thường là chỉ 3 món, trong đó có bát canh, khá hơn là 4 - 5 món thôi.
Thứ ba, Bác thường bảo chúng tôi, ăn món gì cho hết món ấy, không dụng đũa vào các món khác. Gắp thức ăn phải cho có ý. Cắt miếng bơ cũng phải cho vuông vức.
Thứ tư, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình, Bác sẻ cho người này, người kia rồi sau cùng mới đến phần mình, thường là phần ít nhất. Ăn xong thu xếp bát đũa gọn gàng, để đỡ vất vả người phục vụ.
Thứ năm, tôi có cảm giác là đôi khi ăn cơm có những giây phút Bác cầm đôi đũa, nâng bát cơm. Bác như tư lự về điều gì đó. Tưởng như Bác nghĩ đến đồng bào, cụ già, em bé đói rách ở đâu đâu. Tưởng như Bác nhớ lại những ngày lao động ở xứ người kiếm từng mẩu bánh để ăn, đồ uống, để làm cách mạng... Hay là Bác lại nghĩ đến những lần tù đày không có gì ăn. Thật khó hiểu mà càng khó hiểu, tôi lại càng thương Bác quá, thương quá. Bao giờ vào những bữa tiệc cao lương, mỹ vị, rượu bia thức ăn bày la liệt, quái lạ tôi lại nhớ đến Bác rồi... có ăn cũng chẳng thấy ngon như khi xưa ngồi vào mâm cơm đạm bạc với Bác”[2].
Học tập đức tính tiết kiệm và giản dị của Bác, chúng ta cần tăng cường quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào từng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trước hết là học tập phẩm chất thực hành tiết kiệm và đức tính giản dị của Bác vào xây dựng cơ quan, đơn vị, mua sắm trang thiết bị sử dụng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...