Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với việc hình thành mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV) đến các ấp, khu phố trong toàn huyện, phương thức ủy thác đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, gắn kết từ 04 nhà (Ngân hàng, Chính quyền, Tổ chức chính trị - xã hội và Tổ TK&VV) cùng chung tay giúp người nghèo, đối tượng chính sách biết sử dụng vốn vay, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
NHCSXH thực hiện phương thức cho vay có ủy thác một số nội dung công việc thông qua tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ Nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) chủ yếu: Công tác tuyên truyền, vận động; công tác kiểm tra giám sát; các hoạt động phối hợp cùng thực hiện với NHCSXH theo các nguyên tắc chính là bình xét dân chủ, công khai, vốn vay trực tiếp đến người vay tại trụ sở ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã thông qua Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, tạo điều thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả đúng mục đích nâng cao thu nhập…

Tọa đàm: Nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác
Kết quả nhận ủy thác tại NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc của 04 tổ chức chính trị - xã hội cho thấy, đặc biệt bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư từ cuối năm 2014, tổng dư nợ của 06 chương trình vay vốn chỉ hơn 170,5 tỷ đồng thì đến 30/4/2024 là 427,8 tỷ đồng, tăng 257,3 tỷ đồng tỉ lệ tăng 150,9% với 13 chương trình vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trong toàn huyện; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: xây dựng trên 13.400 công trình chứa nước sạch và vệ sinh ở nông thôn; trên 2.800 hộ nghèo cận nghèo tiếp cận vốn; giải quyết 2.509 lao động nông thôn tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh và tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 3.000 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn để không bỏ học,…
Việc NHCSXH ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hiện nay là phù hợp với năng lực quản lý, phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội; phát huy những điểm mạnh của tổ chức Hội, đoàn thể có mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, đặc biết có chi hội hoạt động ở ấp, khu phố tổ nhân dân tự quản… gần dân nhất cùng tham gia góp sức trong việc tuyên truyền, bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; vận động tổ viên thực hành tiết kiệm hàng ngày, tích cóp tạo lập dần vốn tự có; hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn có hiệu quả; tham gia việc giám sát thực hiện công khai dân chủ minh bạch trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu an sinh xã hội.
Về định hướng trong thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hoạt động ủy thác cho vay thông qua tổ chức chính tri - xã hội tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận lợi, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả nhất. Nội dung hoạt động ủy thác phù hợp với chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các tổ chức chính trị - xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030.