Những tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

 (Sau kỳ họp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 6 năm 2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri. Tại 9 điểm tiếp xúc cử tri có 1.866 cử tri tham dự, với 91 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến xoay quanh các vấn đề sau:

+ Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội:

- Cử tri cho rằng thời gian gần đây ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển chưa bền vững, giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh (heo, gà, dưa hấu, hành tây...) cuộc sống của người dân vùng nông thôn vô cùng khó khăn, người dân rất lo lắng không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại lợi nhuận. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề này, định hướng thị trường nông sản cho nông dân, phát huy hơn nữa thế mạnh của chuỗi giá trị liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - và ngân hàng) để các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phát triển bền vững, người nông dân sản xuất có lãi, ổn định cuộc sống.

- Kinh tế nông nghiệp cả nước đang gặp nhiều khó khăn, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được Chính phủ triển khai quyết liệt nhưng vẫn chưa thật sự chuyển biến, hiệu quả chưa cao; các chương trình, dự án triển khai còn rất chậm, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Chính phủ tìm ra nguyên nhân, có giải pháp định hướng cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

- Đề nghị Nhà nước cần xem xét lại việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp vào nước ta, vì việc nhập khẩu đó đã làm cho giá các mặt hàng nông sản trong nước giảm, trong khi nước ta sản xuất không thiếu những mặt hàng này.

- Nhân dân rất lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, những thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, không rõ nguồn gốc đang lưu thông tràn lan trên thị trường, kiểm soát, quản lý xử ký của cấp thẩm quyền hiệu quả rất thấp. Kiến nghị Nhà nước phải có giải pháp thật sự hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

- Việc khai thác cát tràn lan làm ảnh hưởng đến dòng chảy gây sạt lở đất nghiêm trọng làm thiệt hại tài sản và đe dọa đến tính mạng người dân, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Hiện nay, Chính phủ đã có qui định cấm khai thác cát tràng lang. Đề nghị sớm điều chỉnh qui hoạch để mỏ khai thác cát đúng quy hoạch và đúng yêu cầu không để cạn kiệt nguồn tài nguyên và thanh tra, kiểm tra thường xuyên các công ty được phép khai thác để tránh tình trạng lợi dụng cơ hội tăng giá cát thu lợi bất chính xử lý nghiêm vị phạm.

+ Về chế độ chính sách, bảo trợ xã hội.

- Theo thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, một trong những phương pháp rà soát hộ nghèo, cận nghèo là chấm điểm tài sản của hộ gia đình, cử tri cho rằng quy định này chưa phù hợp. Vì cùng một loại tài sản nhưng giá trị của từng loại cũng khác nhau (ví dụ cùng là một chiếc xe gắn máy nhưng giá tiền của mỗi chiếc xe thì khác nhau xa, chiếc thì vài triệu, có chiếc vài chục triệu), nếu thống kê mang tính cào bằng sẽ dẫn đến không công bằng. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định này để đảm bảo quy trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bằng hơn.

- Cử tri cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 hỗ trợ người có công với Cách mạng về nhà ở, cử tri rất hoan nghênh. Hiện nay, nhu cầu được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công ở địa phương đang khó khăn về nhà ở còn rất nhiều. Đề nghị Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vốn để địa phương chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình có công Cách mạng được tốt hơn.

- Cử tri cho rằng về chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, ở ấp hiện nay quá thấp. Cụ thể chức danh Phó Công an xã công việc nhiều, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng trong khi chỉ được áp dụng một mức phụ cấp lương mà không được nâng lương theo niên hạn. Cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh tăng chế độ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã để tránh tình trạng các đối tượng trên xin nghỉ việc hàng loạt như hiện nay và rất khó vận động để họ an tâm công tác tại địa phương.

- Người dân cho rằng hiện nay lực lượng cán bộ công chức ở các cơ quan Trung ương rất đông nhưng càng xuống địa phương thì lực lượng này càng giảm (đặc biệt ở cấp xã), công việc ở cấp xã ngày càng nhiều vì xã là nơi tổ chức thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét giảm biên chế ở cấp trên, tăng cường biên chế công chức ở địa phương (cấp xã) đồng thời xem xét tăng mức phụ cấp lương và nâng lương theo niên hạn cho cán bộ, công chức cấp xã kể cả không chuyên trách để tạo động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Về thủ tục để được hưởng chế độ người hoạt động Cách mạng trước ngày 01/01/1945 gặp rất nhiều khó khăn vì yêu cầu phải nộp các giấy tờ chứng minh hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 mới được xem xét, nhưng thời gian trôi qua đã lâu trong hoàn cảnh chiến tranh những giấy tờ đa số đã thất lạc, hư hỏng. Hầu hết những người trong diện này đều đã lớn tuổi, qua đời. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét về thủ tục cho các đối tượng thuộc diện chính sách trên để không bị thiệt thòi.

- Hiện nay, theo thông tin còn nhiều liệt sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ Quốc tế hy sinh trên đất bạn chưa tìm thấy hài cốt. Cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng kết để cử tri nắm được còn bao nhiêu liệt sỹ nằm lại trên đất bạn chưa quy tụ được về quê hương và mong muốn Đảng, Chính phủ nhanh chóng tìm kiếm đưa các liệt sỹ về quê hương để nhân dân hương khói.

+ Về lĩnh vực y tế:

- Cử tri cho rằng việc  quy định công chức, viên chức, người lao động đồng thời là người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thuộc chính sách người có công thì vẫn phải đóng bảo hiểm y tế là chưa thật sự phù hợp. Bởi lẽ, những người này đã bỏ công sức, thậm chí xương máu để cống nhiến cho Cách mạng, việc Nhà nước có chính sách cấp bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, bù lại phần nào những cống hiến, mất mát của họ là hợp lý. Trong khi đó nếu họ tiếp tục tham gia hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp hoặc tham gia lao động tại các doanh nghiệp để tiếp tục cống hiến, làm giàu thêm cho đất nước, lẽ ra phải được nhà nước khuyến khích, động viên nhưng họ lại phải tiếp tục đóng bảo hiểm y tế để tự chăm sóc sức khỏe cho mình, điều này chưa hợp lý. Cử tri kiến nghị, cần điều chỉnh theo hướng: những người đã được cấp bảo hiểm y tế theo diện chính sách người có công khi tham gia làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp khác thì họ không phải đóng bảo hiểm y tế. Riêng người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm y tế phần trách nhiệm của người sử dụng lao động, như vậy sẽ hợp lý hơn./.

Tác giả
Ban Dân chủ - Pháp luật – UBMTTQVN tỉnh Bến Tre