Hiệu quả mô hình trồng mía ép nước của ông Đỗ Công Thế, ấp Phước Định, xã Phước Thạnh

Là hộ có 10 năm kinh nghiệm trồng mía ép nước, ông Đỗ Công Thế, ấp Phước Định, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành luôn tính toán thời gian trồng để thu hoạch mía vào đúng đợt cao điểm nắng nóng và bán được giá cao. Ông Thế cho biết, gia đình có 1,5 công trồng mía ép nước và để bảo đảm thị trường tiêu thụ, ông trồng thành 03 đợt, mỗi đợt cách nhau 01 tháng, tương đương với thời gian thu hoạch vào các tháng 5, 6, 7, trùng vào với thời gian cao điểm nắng nóng. 

Cũng theo ông Thế, mía là cây dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít so với cây trồng khác. Hơn nữa, mía được trồng trên khu vực đất bãi bồi màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, nên không mất quá nhiều chi phí phân bón, song năng suất, chất lượng vẫn đạt cao. Vừa bán xong 1,5 công mía theo hình thức mía chục làm nước ép thu về hơn 37 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí đầu tư như đào hộc, mía giống, nhân công, vụ mía này ông Thế còn lãi hơn 15 triệu đồng. Theo ông Thế, trồng mía chục có thời gian ngắn hơn trồng mía đường, 02 năm có thể trồng được 03 vụ, chưa kể bán mía chục còn giảm được chi phí nhân công thu hoạch. 

Ông Thế cho biết thêm: “Mía bán cho nhà máy đường hàng năm giá dao động từ 1.000 đồng đến 1.100 đồng/kg, nhưng nông dân phải tốn chi phí nhân công thu hoạch gần 300 đồng/kg. Trong khi trồng mía chục, giá bán bình quân hàng năm ổn định ở mức 1.500 đồng/kg, có lúc hơn 2.000 đồng/kg, thương lái tự thuê nhân công để thu hoạch mía nên người trồng mía hạn chế được chi phí phần này”. Mía của gia đình ông có thân to, mập, lóng dài, mọng nước, độ ngọt không quá cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên vào mùa hè, nhiều thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua. Ưu điểm của cây mía ép nước là có thể thu hoạch tỉa mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nên áp lực về thời vụ thu hoạch không lớn, người trồng không lo bị ép giá.

Vườn mía của hộ ông Đỗ Công Thế, ấp Phước Định, xã Phước Thạnh

Những ngày này, gia đình của ông Đỗ Công Thế, ấp Phước Định, xã Phước Thạnh cũng đang thu hoạch mía để nhập cho thương lái. Theo ông Thế, cây mía ép nước có khả năng chịu hạn, chịu lụt tốt hơn so với cây ngô và các loại cây rau màu. Mùa thu hoạch chính của mía ép nước bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước mía giải khát tăng cao nên thị trường tiêu thụ thuận lợi. Ngoài bán cây, gia đình ông còn tận dụng ngọn mía làm thức ăn cho bò.

Vì vậy, ngoài việc tiếp tục khuyến khích bà con Nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, ấp đang chú trọng phổ biến, hướng dẫn bà con Nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh đối với cây mía ép nước thông qua việc tăng cường bón các loại phân hữu cơ giúp cải tạo và tăng dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, bón các loại phân chuyên dùng cho cây mía để tăng năng suất, chất lượng.

Tác giả
Dương Thị Thúy Hằng - MTTQ xã Phước Thạnh