Trong những năm gần đây, chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập cao, qua nắm bắt được xu hướng và nhu cầu thị trường, chị Phạm Thị Sa, sinh năm 1954 thuộc hộ nghèo ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới đã tìm hiểu, lựa chọn hình thức khởi nghiệp có tính khả thi cao để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2020 chị đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 40.000.000 đồng thực hiện nuôi dê sinh sản cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình để làm chuồng và mua 6 con dê giống giá 30 triệu đồng về nuôi. Tận dụng diện tích 1500m2 mặt đất của gia đình để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho dê. Sau thời gian 05 tháng, đàn dê cho sinh sản lứa đầu tiên với 12 con dê con, giá thị trường dê xuất chuồng là 120.000 đồng /ký, mỗi con thu được trên 4.000.000 đồng, đã mang lại thu nhập khoảng 48 triệu đồng trừ chi phí đầu tư ban đầu Chị còn lãi 8 triệu đồng. Cuộc sống gia đình chị giờ đây khá hơn từ một hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững vào năm 2022 nhờ thực hiện mô hình này.
BCĐ giảm nghèo huyện đến thăm mô hình thoát nghèo bền vững của chị Phạm Thị Sa
Với niềm đam mê và nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này, Chị đã quyết định giữ lại tất cả dê cái để làm giống và đầu tư thêm vốn làm chuồng. Chị Sa cho biết: Bước đầu việc nuôi dê cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, không biết cách chăm sóc; nhưng với quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế từ mô hình này nên tôi dành thời gian nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi dê, học nghề do Hội Nông dân xã tổ chức … Hiện nay số lượng đàn dê giống của gia đình chị đã tăng lên 30 con; đầu ra của dê cũng ổn định, từ đó mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình chị, trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập chị đầu tư mua thêm những loại giống dê mới, đắt tiền để làm phong phú thêm các loại dê nuôi của gia đình và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện nay. Bên cạnh đó, chị còn tư vấn, hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc, hỗ trợ dê con giống giá thấp cho những người có nhu cầu nuôi trên địa bàn xã Lương Quới.
Với tinh thần chịu khó và cầu tiến đã giúp chị Sa có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển công việc chăn nuôi của mình, xứng đáng là tấm gương vượt khó của địa phương.