Thứ sáu, 9 Tháng 6, 2023 - 15:48

THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG 75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)!

Vài suy nghĩ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phối hợp và xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay

Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá đã có tiền thân từ sau cách mạng Tháng Tám, với cuốn Đời sống Mới ( 1947), Bác Hồ với bút danh Tân Sinh đã viết:

“ Mỗi người dân làm đúng theo đời sống mới thì đời sống trong một nhà cũng dễ dàng thôi. Cũng như mỗi viên đá trơn tru vững chắc thì chỉ cần một ít vôi là đắp thành một bức tường tốt.

Về tinh thần thì phải trên thuận dưới hoà, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét  bỏ con chồng.

Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu xài có kế hoạch, có ngăn nắp.

Cưới hỏi, giỗ, tết nên giản đơn, tiết kiệm.

Trong nhà, ngoài vườn phải luôn sạch sẽ, gọn gàng.

Đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ.

Đối với việc làng, việc nước phải hăng hái làm gương.

Người trong nhà ai cũng biết chữ.

Luôn luôn cố gắng làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng, một nhà như thế nhất định sẽ phát đạt”.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong  xây dựng gia đình và gia đình văn hóa, tôi xin đề xuất chúng ta quan tâm trao đổi với nhau những vấn đề sau đây:

Văn hóa ấm thực: Để được ăn ngon, đủ chất, chúng ta cần quan tâm liên hoàn 4 khâu: sản xuất, phân phối, chế biến và tiêu thụ.

Khâu sản xuất, phân phối, chế biến

Cần khai thác tốt việc nuôi, trồng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng các phế phụ phẩm, sử dụng thời gian nhàn rỗi để thu hoạch được nhiều sản phẩm trên mặt đất, ao hồ, tại gia đình kể cả sử dụng công sức để làm những công việc khác nhằm tăng thu nhập cho gia đình một cách hợp pháp. Trong quá trình tham gia nuôi, trồng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường , an toàn sản xuất và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phân phối, chế biến, cần tuân thủ các quy định, các quy trình về chất lượng sản phẩm, về điều kiện an toàn vệ sinh đồng thời phải tranh thủ công bố tiêu chuẩn sản phẩm để cơ quan chức năng thẩm định công nhận.

Khâu tiêu thụ:

Đối với người tiêu dùng, chính là những đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng, liên quan trực tiếp đến trực tiếp các loại lương thực, thực phẩm, thức ăn, nước uống thông qua chế biến phải đảm bảo vệ sinh, ăn uống điều độ. Để thể hiện được nét văn hoá trong ẩm thực, đó là sự kết hợp “nhìn” và “ăn”, bày biện trông ngon mắt hoặc ít nhất là trông sạch sẽ. Và văn hoá ẩm thực không chỉ biểu hiện trong món ăn (ăn món gì) mà còn thể hiện trong cách thức ăn (ăn như thế nào). Ăn để thưởng thức, để hưởng thụ hơn là ăn để no, đáp ứng nhu cầu vật chất, ăn uống lịch sự, hưởng thụ văn hoá ẩm thực là “quý ở tinh, không quý ở nhiều”, coi trọng chất hơn lượng, thể hiện văn hóa ứng xử ở bàn ăn. “lời chào cao hơn mâm cỗ” .Qua đó có thể thấy là chuẩn mực văn hóa về ăn uống được duy trì và nối tiếp qua các thế hệ, và những giá trị đó luôn được coi trọng trong xã hội. Văn hóa ẩm thực của các gia đình Việt Nam không chỉ thể hiện ở chỗ chế biến thức ăn ngon mà còn ở một trình độ cao về nghệ thuật tổ chức bữa ăn, cung cách phục vụ và cách thưởng thức món ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

Văn hóa cư trú Nhà ở trước hết là nơi cư trú của con người để đối phó với nóng lạnh, nắng mưa, gió bão, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh mà mỗi cộng đồng người có cách lựa chọn và thể hiện khác nhau tạo thành tập quán và đặc trưng văn hóa riêng. Ngôi nhà Việt Nam mang đặc điểm vừa cởi mở giao tiếp hướng ngoại, nhưng cũng vừa kín đáo, tế nhị, vừa cộng đồng nhưng cũng vừa riêng tư, ấm cúng, tình cảm. “ Tường rào” rất đơn giản, dù trồng bất cứ loại cây xanh nào mà gia đình thích, chúng chỉ là những vật chứng quy ước về không gian đất đai giữa nhà này với nhà khác, chứ không ngăn cách giữa các gia đình. Để ở được cần quan tâm tổ chức tốt đời sống vật chất và đời sống tinh thần

Về đời sống vật chất: Trong quá trình vận động thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa, ấp, khu phố, xã văn hóa thì vấn đề sức khỏe là một trong những tiêu chí quan trọng chiếm phần lớn trong các nội dung gia đình văn hóa thể hiện: phát triển sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường; chế biến, tiêu thụ lương thực thực phẩm gắn liền với vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển nhiều hàng rào cây xanh, trồng cây hoa kiểng, cảnh quan môi trường thông thoáng -  xanh -  sạch -  đẹp. Cách bài trí trong nhà cần ngăn nắp, sạch sẽ, tinh tế, có sức sống, giản dị nhưng lịch lãm.“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” và công việc để sửa sang có một ngôi nhà hạnh phúc, ấm cúng,  là đòi hỏi cả  hai vợ và chồng cùng chia sẽ; hố xí, nhà tắm hợp vệ sinh; rèn luyện thể dục thể thao; sử dụng muối Iôt, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe sinh sản; thực hiện kế hoạch gia đình; an toàn vệ sinh trong lao động, sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm trong các lễ hội, lễ cưới….tất cả các tiêu chí nêu trên nhằm đem lại sức khỏe, nâng cao tuổi thọ  mang lại đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú góp phần thiết thực cho việc xây dựng các tiêu chí xã văn hóa- nông thôn mới .

Về đời sống tinh thần: cần quan tâm thực hiện tốt chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần tình cảm và bất cứ một gia đình nào cũng phải thực hiện tốt các mối quan hệ

Quan hệ giữa vợ - chồng: trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những giá trị đó được biểu hiện trong việc lựa chọn vợ (hoặc chồng) một cách tự do của những người trong độ tuổi thành hôn, trong việc tham gia lao động, công việc xã hội, trong việc đóng góp và hưởng thụ tài sản gia đình, trong việc quyết định những vần dề chung của gia đình (sinh đẻ có kế hoạch, ly hôn, tái hôn…) giữa vợ và chồng. Luật pháp nước ta (Luật hôn nhân và gia đình) là sự thể hiện và là cơ sở pháp lý bảo vệ những giá trị tốt đẹp đó.

Quan hệ giữa cha mẹ - con cái: quan hệ này bao gồm sự ứng xử của cha mẹ với con cái và sự ứng xử của con cái đối với cha mẹ, mối quan hệ này dựa trên sự liên hệ huyết thống gắn bó chặt chẽ về sinh ( sinh đẻ) và dưỡng ( nuôi dạy). Ở gia đình hiện đại, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp đó được giữ gìn và phát triển: tinh thần thương yêu, sự hy sinh của cha mẹ vì con cái và sự kính trọng, biết ơn và hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Công lao trời biển của cha mẹ đối với con cái được khái quát thành chín chữ là: sinh( đẻ), cúc( nâng đỡ), phủ( vuốt ve), súc(nuôi cho bú mớm), trưởng ( giúp lớn khôn), dục( dạy dỗ), cố( trông nom), phục( khuyên răn), phúc( che chỡ)

Quan hệ giữa ông bà - các cháu là mối quan hệ có tính chất tiếp nối về huyết thống, cháu thường thể hiện những mong muốn, hy vọng của ông bà, nhưng có sự khác nhau về tuổi tác, quan niệm, đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi, đôi khi có thể dẫn tới những mâu thuẫn. Ông bà, cha mẹ, người lớn gương mẫu để con, cháu, trẻ em noi theo.

Quan hệ giữa anh – chị - em trong gia đình: Đây là mối quan hệ trọng yếu thứ ba trong gia đình, quan hệ mật thiết của những người cùng đẳng hệ. Quan tâm thực hiện “Chị ngã em nâng”, “ Anh em như thể tay chân”.

Quan hệ giữa cha mẹ chồng/vợ và con dâu/con rể: “ Dâu con, rể khách”, người con dâu thường được coi  như con gái trong nhà. Tuy nhiên, cũng do quan niệm “ mẹ chồng, nàng dâu” mà đôi khi, mối quan hệ này vẫn tạo áp lực, gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình cho các thành viên.

Nếu không thực hiện tốt mối quan hệ giữa vợ- chồng; cha mẹ- con, anh chị em,  ông bà – cháu và các mối quan hệ khác trong các thành viên gia đình sẽ là một trong những nguyên nhân sâu sắc , không thực hiện tốt Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức sẽ đưa đến gia đình không hạnh phúc, gia đình thiếu văn hóa.

Văn hóa giao thông Hoạt động giao thông bao gồm hệ thống đường sá và phương tiện đi lại là sản phẩm của con người nhằm đáp ứng nhu cầu vãng lai, trao đổi kinh tế, tổ chức xã hội và cả giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí.v.v.. Để đi được dễ dàng và an toàn,cần đảm bảo hệ thống giao thông tốt và chấp hành tốt luật giao thông trên tất cả các tuyến đường.

Những vấn đề nêu trên , theo suy nghĩ của tôi thì rất mong các thành viên trong Ban chỉ đạo, ban vận động xây dựng đời sống văn hóa các cấp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo theo ngành dọc cụ thể như sau:

 * BCH Đảng bộ các cấp lãnh đạo phong trào bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết hằng năm, có sơ, tổng kết hằng năm.

 * Ban chỉ đạo các cấp, ban vận động hằng năm có kế hoạch tự nâng chất và tự kiểm tra để các tiêu chí  được giữ vững hằng năm và có nâng lên.

*  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp:

Hướng dẫn xã, phường, thị trấn và Ban vận động “ TDĐKXDĐSVH” ở khu dân cư thường xuyên tự kiểm tra kết quả thực hiện và nâng cao 6 nội dung cuộc vận động tại ấp, khu phố minh; Chủ trì phối hợp việc công nhận danh hiệu “ Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”.

* Các đoàn thể: Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà lồng ghép vào trong chương trình, hoạt động của ngành mình để góp phần tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa đồng thời tạo điều kiện để xây dựng và củng cố đoàn  thể mình ngày càng vững mạnh hơn.

 * Liên đoàn lao động quan tâm xây dựng, củng cố các cơ quan, đơn vị văn hóa.

* Ngành Y tế: Quan tâm chỉ  đạo các tiêu chí có liên quan đến sức khỏe, tuổi thọ của mỗi thành viên trong gia đình, chủ trì về việc triển khai, giám sát việc thực hiện tiêu chí “ gia đình sức khỏe”; “ Ấp, khu phố sức khỏe”.

* Ngành giáo dục: Quan tâm vấn đề học tập của trẻ em ; phối hợp hỗ trợ hội khuyến học các cấp công nhận danh hiệu “ Gia đình hiếu học”                                                            

* Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, điện lực: Quan tâm các tiêu chí về đời sống kinh tế, hệ thống giao thông nông thôn, an toàn trong việc sử dụng điện thắp sáng, điện sinh hoạt.

* Ngành Công thương: Phối hợp liên ngành thẩm định, đánh giá và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận chợ, siêu thị, trung tâm thương mại văn hóa và quầy hàng văn minh.

* Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quan tâm chỉ đạo trong việc xây dựng, củng cố, bảo vệ các thiết chế văn hóa cơ sở, tuyên truyền  thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng; vấn đề tôn tạo, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở địa phương; tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình công nhận gia đình văn hóa, xã, phường, thị trấn văn hóa, tái kiểm tra nâng chất các đơn vị đã công nhận đơn vị văn hóa; chủ trì và giám sát việc công nhận “ Gia đình văn hóa”; “Gia đình thể thao”

* Ngành Công an: Quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Chủ trì hướng dẫn, bình xét công nhận danh hiệu “ Khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn về an ninh trật tự”;  “ Cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh trật tự”

* Ngành  Lao động- Thương binh và xã hội “ Quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí giảm nghèo, các hoạt động đền ơn , đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với nước, đảm bảo có mức sống trung bình trở lên ở khu dân cư, tương trợ giúp đỡ người già yếu, neo đơn, trẻ em mồ côi; chủ trì việc phối hợp với liên ngành giám sát việc đánh giá phân loại , chấm điểm về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có ma túy mại dâm đồng thời phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các tiêu chí” Xã, phường phù hợp với trẻ em”

Tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng đời sống mới cách nay hơn 63 năm đến nay vẫn còn rất nhiều giá trị, hy vọng rằng những suy nghĩ trên đây sẽ giúp xây dựng gia đình có mái ấm hạnh phúc nhằm góp phần  thiết thực thực hiện tốt luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi, đây cũng là một trong các giải pháp xây dựng, củng cố các tiêu chí gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa trong cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  góp phần xây dựng các tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới của tỉnh nhà ./.

Tác giả: 

Đàm Ngọc Hùng - Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình