Bến Tre có diện tích tự nhiên là 2.360 km2 được hợp thành bởi ba cù lao, dân số 1,255 triệu người với 08 huyện, 01 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn, trong đó có 147 xã nằm trong đề án tiến hành xây dựng nông thôn mới.
Với đặc điểm về địa lý và hơn 80% người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống của Nhân dân ở nông thôn Bến Tre tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Vì vậy việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội, được tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh, kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho Nhân dân.
Ông Trần Dương Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM. Ảnh: H. Hiệp
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi thực trạng của 147 xã nông thôn so với bộ tiêu chí quốc gia có điểm xuất phát rất thấp, từ cơ sở hạ tầng đến thu nhập và đời sống của Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nên gặp nhiều trở ngại trong vận động để đạt chỉ tiêu 10% cơ cấu vốn nội lực từ Nhân dân. Trong khi đó, phương châm xây dựng nông thôn mới tại tỉnh nhà phải dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính.
Để phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng và hiệu quả, với trách nhiệm được phân công, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre đã chủ động ký kết Chương trình phối hợp tham gia xây dựng nông thôn mới với các đoàn thể Chính trị - xã hội tỉnh; nội dung phối hợp chủ yếu là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tham gia giám sát việc triển khai, xây dựng nông thôn mới…Trong Chương trình phối hợp, hàng năm trên cơ sở các xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới được Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh cùng với với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh thống nhất phân công cụ thể từng đoàn thể và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tinh phụ trách, hỗ trợ từ 01 đến 02 xã, qua đó giúp sức cùng Ban Chỉ đạo xã xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên cơ sở các xã được phân công phụ trách, từng đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo xã thống nhất các nội dung cần tập trung tuyên truyền, vận động cụ thể, từ đó xây dựng kế hoạch truyên truyền, vận động tại các xã được phân công phụ trách và các xã còn lại.
Nội dung, hình thức tuyên truyền được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên thực hiện phong phú và đa dạng như: Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân để bàn giải pháp cụ thể thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn, tiêu chí số 4 về hộ sử dụng điện, tiêu chí số 9 về nhà ở, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo, tiêu chí số 12 về lao động việc làm, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, tiêu chí số 16 về xây dựng đời sống văn hóa, tiêu chí số 17 về môi trường và tiêu chí số 19 về Quốc phòng an ninh.
Phương châm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới là: “Việc gì dễ thì làm trước, việc gì khó làm sau, công trình nào, phần việc nào do hộ gia đình, do dân đóng góp thực hiện thì làm trước…”, “Chậm nhưng chắc, quyết không chạy theo thành tích”, “Trong trước, ngoài sau” tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu làm trước, vận động người thân, dân dân làm theo…phát huy dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”,
Với cách làm nêu trên, 05 năm qua (từ năm 2010-2015) nhân dân đã tự nguyện đóng góp đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt… quy ra tiền trên 477,4 tỷ đồng (trong đó có 194,7 tỷ đồng tiền mặt và đất đai hoa màu vật kiến trúc, ngày công lao động trị giá 282,7 tỷ đồng), chiếm 29,3% so với tổng kinh phí xây dựng nông thôn của tỉnh 05 năm qua, (vượt 19,3% so với đề án của tỉnh). Nguồn kinh phí trên cùng với nguồn hỗ trợ từ Ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, đã đầu tư xây dựng trên 1.200 km đường giao thông nông thôn, 1.210 cây cầu, xây dựng 15.430 căn nhà tình thương (trong đó có 8.910 căn nhà 167). Ngoài ra người dân còn tích cực hưởng ứng phong trào “Cứng hóa đường vào nhà”, làm cho “Vườn xanh, nhà đẹp”, xóa cầu tiêu ao cá, xây dựng hố xí tự hoại, sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh…Riêng năm 2016, nhân dân đóng góp 19,27% trên tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới của tỉnh (So với Đề án vượt 9,27%).
Kết quả đến quý I năm 2017, toàn tỉnh đã công nhận 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2017 phấn đấu đạt thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới..
Từ những kết quả đạt được như trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới là: Có sự tập trung lãnh, chỉ đạo thống nhất từ cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể; sự phối hợp chặc chẽ và đồng bộ giữa Ban Chỉ đạo với các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, gương mẫu của cán bộ Đảng viên, đoàn viên, hội viên; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải chủ động phối hợp với Chính quyền, với các tổ chức thành viên trong việc củng cố và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm nòng cốt trong tuyên truyền làm cho người dân thông suốt việc xây dựng nông thôn mới chủ thể là người dân, được thực hiện bằng sức dân và dân là người thụ hưởng, người dân phải biết được hộ gia đình phải làm gì để tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, các khoản đóng góp của nhân dân, Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân từ cơ sở, từ hộ gia đình. Khi nhân dân đã đồng thuận, quyết tâm thì việc gì khó khăn cũng được Nhân dân chia sẽ, cùng nhau thực hiện như lời Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.