Thứ tư, 6 Tháng 12, 2023 - 04:52

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2024 - 2029!

Tình hình dịch bệnh Covid-19 - Giải pháp nào trong thời gian tới?

Đại dịch Covid-19 còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hay dịch virus corona Vũ Hán, là một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Dịch bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc sau đó lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 11/02/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại virus đã đặt tên chính thức cho chủng virus corona mới này là SARS CoV-2. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam ngày 01/4/2020 Thủ tướng chính phủ công bố dịch COVID-19 bệnh truyền nhiễm nhóm A trên phạm vi cả nước. Thời gian xảy ra dịch bệnh từ ngày 23/01/2020, khi có ca mắc đầu tiên tại Việt Nam. 

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trong gần 2 năm qua đã gây ra bao nhiêu tổn thất cho đất nước, cho xã hội. Kinh tế bị thiệt hại nặng nề, thu ngân sách giảm, nạn thất nghiệp tăng; các dịch vụ, kinh doanh khác mất thu nhập,…dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và an ninh, trật tự xã hội... Trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam, các  ban, ngành, địa phương, sự đồng lòng của Nhân dân đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có trên một triệu người nhiễm, trên 22.700 người tử vong. Bến Tre đợt dịch thứ tư đến nay đã có gần 5 ngàn ca bệnh, 58 ca tử vong. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp trong thời gian qua đã được tập trung thực hiện, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện NQ đại hội đảng các cấp đã đề ra.

Hiện nay sống trong trạng thái “bình thường mới” chúng ta phải làm gì để thích nghi? Để giảm những thiệt hại về người và của, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế đất nước? đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta chứ không phải là trách nhiệm của nhà nước hay của một ngành nào. Muốn như thế thì công tác tuyên truyền phải được tập trung quyết liệt hơn bao giờ hết với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và ý thức của mỗi người phải cao hơn.

 Thực trạng tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã tiến hành các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nhưng dịch bệnh rất khốc liệt, nó đã cướp đi sinh mạng của biết bao người, đây là một tổn thất nặng nề làm cho nhiều gia đình con mất cha mẹ, vợ mất chồng, chồng mất vợ, anh mất em,… nỗi đau này  không gì có thể bù đắp được.

Đặc biệt hơn, kinh tế bị suy giảm, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tình trạng thất nghiệp kéo dài, một số doanh nghiệp dừng hoạt động, cắt giảm lực lượng lao động, sức khỏe của người dân bị đe dọa nghiêm trọng…Đảng, Nhà nước xác định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và cũng được quy định rõ trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Công tác tuyên truyền

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cùng với các ngành, các cấp, sự ủng hộ của Nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; trong lúc này, tinh thần đoàn kết được trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và đồng hành cùng nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Ngày nay mạng xã hội zalo, facebook,…là phương pháp tuyên truyền mạnh mẽ nhất, nhanh nhất, cùng với đội phản ứng nhanh, tổ Covid-19 cộng đồng đã góp phần trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Tuyên truyền ý thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho mọi người dân; hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; chăm lo, hỗ trợ người dân, nhất là những gia đình chính sách, gia đình có công với nước, gia đình khó khăn, yếu thế; phát huy tinh thần xung kích của các tổ phòng chống Covid cộng đồng, các đội hình tình nguyện, sẵn sàng tham gia các phương án ứng phó, phòng chống dịch theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Phát động cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Kế hoạch số 4189/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp nhận kinh phí ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

MTTQ Việt Nam các cấp đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, xông pha đến các mặt trận cùng chính quyền các cấp phòng, chống dịch bệnh. Giúp người dân giải quyết đầu ra của sản phẩm do thực hiện giãn cách xã hội không tiêu thụ được. Khi thực hiện Chỉ thị số 15,16,19 của TTCP, nhất là Chỉ thị số 16 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 25 của UBND tỉnh Bến Tre về quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các gói an sinh xã hội đã hỗ trợ kịp thời đến người dân, giúp họ vượt qua khó khăn; từng bước khôi phục sản xuất, cảnh giác với diễn biến và sự nguy hiểm của dịch bệnh; thiết lập phương án thích ứng an toàn phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay các ngành, các cấp đang nỗ lực khôi phục “vùng xanh” để trở về trạng thái “bình thường mới”. Bến Tre sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Kế hoạch số 6820/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp mạnh nhằm thoát khỏi “vùng đỏ”.

Công tác vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, được sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu của Chủ tịch nước về việc vận động Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã phối hợp tổ chức vận động Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đã tiếp nhận kinh phí đóng góp trên 59 tỷ đồng và nhiều vật tư, thiết bị y tế, hàng hóa, lương thực, thực phẩm khác trị giá 25 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ các tỉnh, thành bị ảnh hưởng dịch bệnh. Quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người bị mất việc làm, triển khai các gói ASXH với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam (theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI), qua giám sát nhằm giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 25 của UBND tỉnh, giúp người dân được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 Đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh ở Bến Tre

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre ngày 22/9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu rằng Bến Tre là một trong những tỉnh phòng, chống dịch bệnh tốt nhất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên hiện nay tình hình dịch bệnh ở Bến Tre còn diễn biến phức tạp. Vì vậy mọi người cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan dù mỗi người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp mà Nhà nước đề ra được Nhân dân ủng hộ, thể hiện quan điểm nhất quán, sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước, khẳng định sự đồng lòng, nhất trí trong toàn xã hội. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói, trong thời gian qua công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ người dân được thực hiện kịp thời theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 25 của UBND tỉnh. Công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong; từng bước khôi phục sản xuất tại các địa phương, các hoạt động, dịch vụ đã trở lại và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến và sự nguy hiểm của dịch bệnh; thiết lập phương án thích ứng an toàn phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên những ngày gần đây số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn nhiều, mức độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng chưa đạt 100% làm cho người dân lo lắng (nhất là số lượng lớn trẻ em chưa được tiêm ngừa). Nhưng lãnh đạo tỉnh đã có những giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng điều này đòi hỏi ý thức của mỗi người phải cao hơn.

Giải quyết chính sách cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19

 Một số giải pháp

- Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng, chống dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong trạng thái “bình thường mới”, Bến Tre sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

- Tập trung tuyên truyền kế hoạch phục hồi kinh tế “thích ứng an toàn” với dịch bệnh, mọi hoạt động phải chặt chẽ, thận trọng. Mọi người cần ý thức, tuân thủ 5K. Người dân cần tiêm chủng, không có sự lựa chọn vắc xin nào tốt nhất, bởi “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.

- Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”.

- Tập trung tuyên truyền các chủ trương về nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH, nhất là sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; “phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài”; “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”; “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của Nhân dân...”; “người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”; mỗi xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, mỗi gia đình là một “lô cốt”, mỗi người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch; công tác phòng, chống dịch phải “từ xa, từ sớm, từ cơ sở, từ mỗi người dân”.

- Tiếp tục vận động nguồn lực để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Tuyên truyền, vận động người dân tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng cùng vượt qua dịch bệnh. Tiếp tục phát động phong trào khôi phục “vùng xanh”, kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng, giám sát việc thực hiện các quy định, các gói chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ người dân sớm khôi phục lao động sản xuất, hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp sau dịch do tỉnh phát động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đề xuất xuất Quỹ cứu trợ của tỉnh để hỗ trợ kinh phí, cây, con giống, phân bón giúp người nông dân có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả nhất.

- Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức nhà nước, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động tiếp nhận các nguồn vắc xin phòng Covid-19 và tiêm ngừa cho Nhân dân trong thời gian sớm nhất để phòng, chống dịch bệnh.

Để chiến thắng đại dịch Covid-19 cần có sự đồng lòng của người dân. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Việc tiêm vắc xin cho Nhân dân cần phải đẩy mạnh để tạo miễn dịch cộng đồng; đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi đến trường học trực tiếp và các em trong độ tuổi quy định được tiêm ngừa.

Có thể nói chúng ta đang chuẩn bị đối mặt với đợt dịch lần thứ 5. Vì vậy, để sớm đẩy lùi dịch bệnh, các tầng lớp Nhân dân hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới”. Các tổ chức CT-XH tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên của mình cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết một lòng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, khôi phục và phát triển nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần xây dựng Bến Tre ngày càng phát triển.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

                                       (Hồ Chí Minh)

Tác giả: 

Kim Ngân