Được hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện mô hình giảm nghèo, anh Nguyễn Văn Quốc Đạt, ấp Trung Xuân, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ mô hình nuôi dê thịt.
Anh Nguyễn Văn Quốc Đạt sinh năm 1986, gia đình có 04 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 02 con nhỏ đang đi học. Thời gian đầu cuộc sống của gia đình rất khó khăn, hai vợ, chồng không có nghề nghiệp ổn định chủ yếu đi làm thuê kiếm sống hàng ngày. Từ cuộc sống vất vả, anh Đạt tìm tòi học hỏi các mô hình hay từ mọi người, sau nhiều lần trăn trở tìm hướng đi mới và nhận thấy nuôi dê có cơ hội giúp gia đình vươn lên thoát nghèo vì nuôi dê vốn đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các vật nuôi khác.
Năm 2018, được hỗ trợ 20 triệu đồng vốn để thực hiện mô hình giảm nghèo, gia đình anh Đạt mua 05 con dê nái và làm chuồng trại với chi phí khoảng 30 triệu đồng, gia đình góp vốn thêm 10 triệu đồng, tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn và trồng cỏ trên mảnh đất của mình. Sau 01 năm, gia đình anh Đạt phát triển đàn dê lên được 09 dê con. Năm 2019, gia đình vay 100.000.000 đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc tham gia đề án thoát nghèo bền vững. Sau một năm chăn nuôi thấy con dê dễ nuôi, nhiều nguồn thức ăn, anh quyết định tăng số lượng đàn dê. Đến năm 2020, gia đình anh Đạt thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi dê và trả được vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội.
Xác định nguồn thu nhập chính của gia đình là chăn nuôi dê nên anh Đạt phấn đấu tìm tòi, học hỏi, ngày càng nắm rõ kỹ thuật, sản xuất hiệu quả, tạo được nguồn thu nhập, có vốn để xoay vòng, có lợi nhuận để tích lũy vốn từng bước đầu tư mở rộng và trao đổi mua bán dê, từ 05 con dê anh Đạt phát triển đàn dê lên 50 con dê thịt, 50 dê nái và 02 con dê đực để phối giống cho đàn dê nhà và những hộ nuôi dê trên địa bàn trong và ngoài xã, hiện nay với nguồn thu trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng/năm. Anh Đạt còn tận dụng nguồn phân dê cung cấp nguồn phân bón cho địa phương, thu nhập thêm 80 triệu đồng/năm. Vừa qua, anh Đạt còn xây lò mổ dê cung cấp dê thịt cho các thương lái và gia công mỗi ngày mổ từ 02 đên 03 con có lúc cao điểm ngày lễ lên đến 07 con để cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự cần cù, chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, đến nay mô hình nuôi dê của anh Đạt đã trở thành mô hình hiệu quả đem lại kinh tế cao. Hàng năm anh Đạt đã hỗ trợ từ 30-50 con giống và kỹ thuật cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn ấp với hình thức hỗ trợ con giống trả chậm, bao đầu ra dê thương phẩm cho hộ tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.