Về xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) hỏi thăm gia đình anh Huỳnh Văn Bình hầu như ai cũng biết, bởi anh không chỉ là một cán bộ trẻ gương mẫu mà còn là thanh niên cần cù, chịu khó và luôn đi đầu trong phong trào phát triển mô hình chăn nuôi tại địa phương.
Trước đây, anh Bình từng làm ruộng, nuôi bò, vịt, gà... nhưng do ít kinh nghiệm và chưa tập trung nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình làm ăn nhưng không hiệu quả, vốn liếng anh dành dụm được lần lượt “đội nón ra đi”. Dù vậy, ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương vẫn luôn thôi thúc, tạo động lực để anh tiếp tục rong ruổi khắp nơi học hỏi các mô hình chăn nuôi hiện đại, thành công.
Anh Huỳnh Văn Bình đang cho dê ăn
Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, anh quyết định tạm ngưng phát triển đàn bò hiện có, thay đổi mô hình chăn nuôi và chọn dê là vật nuôi mới. Theo tính toán của anh, nuôi dê ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn để làm việc khác, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Xã đoàn, sau khi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Tri, anh Bình bắt tay xây chuồng trại và mua 6 con dê giống về nuôi. Chỉ sau 2 năm tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của anh đã tăng lên 40 con, với 30 con thịt và 10 con giống. Hiện anh đang sở hữu trang trại dê rộng trên 100m2 với 3 giống dê chính là dê lai, dê Boer và dê Bách Thảo.
Anh Bình cho biết dê từ 4 - 6 tháng tuổi, cân nặng 30 - 35 kg/con là có thể xuất chuồng. Mỗi quý anh xuất bán khoảng 10 con dê giống, dê thịt các loại, giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, còn dê thịt có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Cộng với tiền bán phân dê, mỗi năm trại dê của anh cho thu nhập ổn định và lên đến hàng chục triệu đồng.
Theo anh Bình, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc tính của từng loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi dê rất quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê, tất cả đều phải có kế hoạch ti mỉ, chi tiết. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh; chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê là thành công.
Ngoài mô hình nuôi dê nhốt chuồng, anh Bình còn duy trì chăn nuôi bò và tận dụng diện tích chuồng trại kết hợp nuôi gà. Hiện anh có trong tay hơn 100 con gà, 6 con bò và đang chuẩn bị tăng đàn.
Một điều rất đáng quý ở anh Bình là anh không ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, bò, gà kết hợp của mình với các hộ chăn nuôi khác. Thậm chí anh còn sẵn sàng cho bà con trong xã mượn dê giống về nuôi để góp phần phát triển kinh tế địa phương, kéo giảm hộ nghèo trong xã.
Cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, đặc biệt là không chịu bỏ cuộc, dám thay đổi chính là bí quyết giúp anh Bình thành công trong việc chăn nuôi. Cách cải thiện kinh tế gia đình hiệu quả, bền vững bằng mô hình chăn nuôi kết hợp của anh Bình thật sự đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên muốn thoát nghèo ở xã An Thủy và rất đáng được biểu dương./.