Năm tháng qua đi, những ngày này người người tất bật hoàn thành các công việc còn dang dở cuối năm để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Sau một năm lao động vất vả, sắp đến lúc người dân được tạm nghỉ ngơi để hưởng thụ những ngày vui vẻ của năm mới. Thế nhưng cuộc sống của con người đâu chỉ êm đềm đến vậy. Dịp Tết cổ truyền ngoài nỗi lo toan về giá cả “leo thang”, người tiêu dùng còn phải đối mặt với vô vàn thử thách, khó khăn, hiểm họa luôn rình rập…, nào là hàng gian, hàng giả, thực phẩm bẩn, không đạt chất lượng tràn lan trên thị trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân; tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... vẫn diễn biến phức tạp; tệ nạn xã hội... Người tiêu dùng lo lắng là hoàn toàn có cơ sở bởi mắt thường chúng ta khó có thể phân biệt đâu là hàng hóa tốt, đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm có sử dụng phụ phẩm, độc tố nguy hiểm…những vấn đề đó nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì những mặt hàng này sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ, vùng sâu, vùng xa.
Hãy lựa chọn rau sạch để đảm bảo sức khỏe
Thực tế trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) của nước ta được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo của ngành chức năng ở các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với trước. Theo báo cáo của ngành chức năng, việc sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm hơn; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể; một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm có tiến bộ; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa rõ ràng, cụ thể trách nhiệm giữa các cấp, từng ngành và từng địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chưa cao; việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến như sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra ở nhiều nơi (sản xuất giá đỗ, bún, phẩm màu, chất bảo quản trong một số loại thực phẩm (sầu riêng ngâm hóa chất), thuốc tăng trọng…); một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; điều kiện chăn nuôi, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; tình hình ngộ độc thực phẩm thường xuyên diễn ra nhất là ở các khu công nghiệp có đông công nhân. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn chậm, chưa kiên quyết (ngộ độc bánh mì, ngộ độc tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp…), còn có biểu hiện nể nang, né tránh; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức.
Trong năm 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tham gia cùng các ngành chức năng kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với 44/9.334 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện có 07 cơ sở vi phạm, đã lập biên bản, nhắc nhở và đề xuất cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trên do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết là ở một số nơi chính quyền các cấp quản lý chưa nghiêm, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng chưa mạnh dạn lên án hành vi của người sản xuất.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát,… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Do đó việc phải dự trữ, bảo quản thực phẩm để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, liệu có phải sử dụng chất bảo quản để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và giữ được lâu hay không?
Thiết nghĩ để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung và trong dịp Tết Nguyên đán, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018; quy định xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tù, thể hiện cụ thể tại Điều 317 của Luật này (đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm).
Đồng thời tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể ở các trường học, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các loại thực phẩm phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi như: rượu bia, bánh mứt kẹo, thịt và sản phẩm từ thịt, rau củ quả... Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng…Cùng với thực hiện nghiêm Chỉ thị nêu trên và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng thì mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, nên tìm mua sản phẩm ở những địa chỉ rõ ràng và có thương hiệu. Tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất, không ghi hạn sử dụng…để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình,…để mọi người hưởng một mùa xuân thật trọn vẹn và ý nghĩa.