Thứ sáu, 9 Tháng 6, 2023 - 14:21

THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG 75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)!

Những điển hình sau 2 năm thi đua “Đồng khởi mới” theo Chỉ thị 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với chủ đề công tác dân vận năm 2022“Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân”, đến nay đã xuất hiện nhiều gương điển hình trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực tuyên truyền, vận động. Họ thật sự là những hạt nhân lan tỏa phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong các tầng lớp nhân dân và là cơ sở để thực hiện phương thức “Học tập điển hình - Bắt kịp điển hình và Vượt qua điển hình” theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nguyễn Vĩnh Phúc vận động theo phương châm “dễ trước, khó sau”

Anh Nguyễn Vĩnh Phúc với phương châm tuyên truyền “Dễ trước, khó sau”

Theo Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tập trung thực hiện 11 công trình dự án trọng điểm. Trong đó, TP. Bến Tre, Châu Thành, là 2 địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án cầu Rạch Miễu 2, đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2. Để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện dự án, 2 địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng những giải pháp, hình thức khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết: Công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều thuận lợi. Chia sẻ giải pháp đã làm, ông Nguyễn Vĩnh Phúc cho rằng: Để người dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 11 công trình dự án trọng điểm. Trước tiên, cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc hội họp tại địa phương có công trình, dự án đi qua. Qua đó thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ quy trình đến cơ chế chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư,... để người dân biết được chủ trương chung, biết rõ những nội dung nào có liên quan đến hộ gia đình cùng hợp tác trong bàn giao mặt bằng.

Phải đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy. Sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia giám sát và phối hợp tuyên truyền vận động người dân ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tránh tình trạng, toàn bộ công việc do chính quyền giải quyết trước, khi gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng mới đề nghị hệ thống Khối vận vào cuộc vận động thì lúc này hiệu quả mang lại không cao, dễ gây bức xúc trong dân, nhất là những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi.

“Để có cơ sở làm tốt công tác vận động, các địa phương cần tổng hợp đầy đủ, chính xác tất cả những trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án. Phân loại cho được họ là những hộ nào? Địa chỉ ở đâu? Bị ảnh hưởng như thế nào? Dự báo khả năng bàn giao mặt bằng dễ hay khó? Nếu là diện khó thì mấu chốt vấn đề để giải quyết cái khó là ở đâu? Huyện cần thành lập Ban chỉ đạo và các tiểu ban cấp huyện. Trong đó, nhất thiết là phải thành lập Tiểu ban Tuyên truyền, vận động do Phó bí thư Thường trực Huyện ủy làm Trưởng tiểu ban, mỗi xã có công trình dự án đi qua phải thành lập 1 Tổ Tuyên truyền, vận động do đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã làm Tổ trưởng, có ít nhất 1 cán bộ chuyên môn của trung tâm phát triển quỹ đất, cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên phụ trách ấp, khu phố là thành viên. Xã cần thành lập theo hệ thống tương tự như huyện” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc chia sẻ.

​Trong vận động, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần tiến hành gặp trực tiếp đối tượng để lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ. Quá trình vận động cũng có thể áp dụng tuyên truyền vận động gián tiếp. Trong đó cần phát huy tốt vai trò của những người dân tại địa phương nhất là những người am tường lịch sử, nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất, các cá nhân có uy tín, có tiếng nói để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, tác động trực tiếp đến các hộ dân còn những ý kiến chưa thống nhất. Nếu các hộ dân trong gia đình có thành viên đang làm việc thì có thể nhờ tới các cơ quan có liên quan để cùng phối hợp thực hiện công tác tuyên tuyền, vận động. Phương châm vận động là đối với các trường hợp dễ, phối hợp tốt thì vận động trước, các trường hợp khó khăn thì vận động sau.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án là một công việc không mấy dễ dàng do đối tượng tác động chính là con người, mà cụ thể là những người dân chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc,... để bàn giao mặt mặt bằng thực hiện các công trình, dự án. Chính vì vậy, phải xem việc tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cả một quá trình nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự kiên trì, nhẫn nại và áp dụng linh hoạt các phương pháp khác nhau phù hợp với từng trường hợp cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành bộc bạch. 

Châu Văn Bảy với “Tổ tuyên truyền cá biệt”

Anh Châu Văn Bảy - với “Tổ tuyên truyền cá biệt”

Chia sẻ kỷ niệm trong những năm tham gia công tác dân vận, anh Châu Văn Bảy cảm thấy tự hào và cho rằng: Thời gian qua, ngành dân vận của Đảng đã đạt được rất nhiều thành tích to lớn, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng được mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Mình thấy tự hào vì trong thành tích chung ấy có sự đóng góp tích cực của ngành dân vận tỉnh Bến Tre.

Trong suốt quá trình làm công tác dân vận, thành tích nổi bật nhất của Châu Văn Bảy là cùng huyện thành lập được Tổ tuyên truyền vận động cá biệt. Kể về quá trình hình thành Tổ tuyên truyền anh Châu Văn Bảy nhớ lại: Năm 2013, khi lưới điện quốc gia kéo về Thạnh Phú, đi qua địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cẩm Sơn không đồng thuận, không cho thi công. Để đảm bảo tiến độ, huyện tiến hành bảo vệ thi công, nhưng có 1 hộ dân là cựu chiến binh đã chuẩn bị 2 thùng xăng để đối phó và huyện không thể bảo vệ thi công công trình.

Đến năm 2014, anh Châu Văn Bảy được điều động về làm Phó ban Dân vận Huyện ủy. Lúc này, công an huyện đã tham mưu đề xuất thành lập Tổ vận động đặc biệt, gồm 2 đồng chí. 1 là cán bộ an ninh công an huyện và đồng chí Phó ban Dân vận Huyện ủy. Tổ thực hiện nhiệm vụ tiếp cận đồng chí cựu chiến binh để vận động thuyết phục.

“Qua tiếp cận nắm được nguyện vọng của đồng chí là muốn được hỗ trợ 1 căn nhà nghĩa tình đồng đội. Nắm được tình hình, tôi trực tiếp gọi điện xin ý kiến Chủ tịch UBND huyện. Nhận được thông tin đồng ý từ Chủ tịch UBND huyện, tôi đã thuyết phục và nhận được sự đồng ý của đồng chí cựu chiến binh. Sau khi báo cáo về huyện, huyện họp thống nhất 2 ngày sau tiến hành bảo vệ thi công lưới điện thành công. Chính từ đó, công an huyện phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu Huyện ủy thành lập Tổ vận động cá biệt nhằm ổn định an ninh nông thôn. Tổ gồm 11 thành viên do đồng chí Phó ban Dân vận Huyện ủy làm Tổ trưởng, đồng chí Phó công an huyện làm Tổ phó” - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam Châu Văn Bảy chia sẻ.

Tổ hoạt động độc lập theo quy chế dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy và có quyền đề nghị các ngành liên quan cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết vấn đề phát sinh. Khi nhận được nội dung Huyện ủy phân công, Tổ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu nội dung, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan có liên quan. Sau nghiên cứu nội dung, cử cán bộ có kỹ năng, nghiệp vụ, ở đây tổ sử dụng lực lượng an ninh vì công an là tổ phó, để xác minh làm rõ các vấn đề liên quan. Qua xác minh tổng hợp báo cáo, tổ trưởng nghiên cứu, tiến hành mời họp tổ, trao đổi làm rõ nội dung xác minh và rà soát lại quan điểm của Đảng, quy định của pháp luật, quy trình, quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó bàn giải pháp để vận động thuyết phục; chọn và phân công cán bộ thực hiện phù hợp với từng đối tượng. Khi đi tuyên truyền vận động không được gây áp lực cho người dân, không chọn thành viên có hạn chế về năng lực nói, năng lực giao tiếp.

Sau khi đi vận động lần thứ nhất, tiến hành họp tổ rút kinh nghiệm, xem có vấn đề mới phát sinh rồi cứ như thế đi vận động thuyết phục nhiều lần. Trong quá trình vận động, tổ thực hiện biện pháp tâm lý là chính. Ít sử dụng yếu tố pháp luật nhằm tạo sự gần gũi trong dân. Sử dụng đa dạng các giải pháp, linh hoạt theo từng đối tượng cụ thể nhưng không trái quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong dân.

“Sau 8 năm hoạt động, anh Châu Văn Bảy rút ra kinh nghiệm “người làm công tác dân vận phải có tâm có tầm. Trong thực hiện nhiệm vụ cần phải loại bỏ cái tôi, quyền lực mà phải đặt mình vào vị trí của người dân, có như thế mới có thể vận động, thuyết phục tốt và tạo sự đồng thuận trong dân. Lãnh đạo nên trực tiếp tham gia những vấn đề lớn rất hiệu quả. Bởi người dân luôn tôn trọng lãnh đạo, lãnh đạo lại có quyền giải quyết ngay yêu cầu của người dân và cũng giải quyết được vấn đề sỉ diện của người dân” - anh Châu Văn Bảy chia sẻ.

Chị Lê Thị Hồng - cán bộ cơ sở tâm huyết

Chị Lê Thị Hồng cán bộ được tuyên dương nhận bằng khen của Chính phủ

Chị Lê Thị Hồng bắt đầu câu chuyện của mình vào thời điểm năm 2015. Chia sẻ cảm giác khi ấy, chị Hồng cho biết mình rất sợ. “Từ cán bộ kiểm tra về nhận công tác MT, mình không biết bắt đầu từ đâu, làm những gì, nhớ lại thời gian ấy, mình thấy hơi lo lắng” - chị Lê Thị Hồng chia sẻ. Dù có lo lắng bước đầu nhưng bằng tâm huyết, sự nhiệt tình, chịu học hỏi từ những cán bộ đi trước, sau khi nhận nhiệm vụ không bao lâu, chị Hồng đã bắt nhịp công việc của mình. Và rồi không biết tự khi nào, bản thân lại thấy công tác MT thật hay. Bởi cán bộ MT luôn gần dân, sát cơ sở, phối hợp làm được nhiều việc mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân.

          Chia sẻ những vui, buồn về công tác MT, chị Hồng hồ hỡi: Vui và hạnh phúc nhất là khi phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên vận động kinh phí chăm lo hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn những phần quà, những căn nhà đại đoàn kết, qua đó góp phần mang lại sự an cư lạc nghiệp của người dân.

“Xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, mình hiểu được niềm vui của những hoàn cảnh mỗi khi nhận được quà, có kinh phí cất nhà thì không có niềm vui nào bằng. Để tạo niềm tin cho mạnh thường quân, khi tổ chức trao quà, hay bàn giao nhà tình thương, nhà đại đoàn kết sẽ mời mạnh thường quân cùng đi. Sự gặp gỡ giữa người hỗ trợ và người được nhận hỗ trợ đều có niềm vui niềm hạnh phúc” - chị Lê Thị Hồng chia sẻ.

Chị Lê Thị Hồng cho biết: MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Với vai trò đó, bản thân chị luôn nhận thức rõ công tác MT là trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thu thập phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, phối hợp thực hiện là nhiệm vụ của toàn Đảng, tất cả đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền và có tâm huyết với công việc.

Ý thức được nhiệm vụ cùng sự năng nỗ, nhiệt huyết, thời gian quan chị Hồng Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò hướng dẫn, kiểm tra và luôn tạo sự đoàn kết từ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đến Ban Công tác Mặt trận các khu phố. Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các Chỉ thị, nghị quyết các cấp, các Cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.

Hàng năm vận động mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân đóng góp từ 30 đến 100 triệu đồng Quỹ “Vì người nghèo”; trao từ 5 đến 10 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và có nguy cơ bỏ học (mỗi suất từ 200 đến 1 triệu đồng), chủ trì và tham gia tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Cùng với UBMTTQ, các đoàn thể phường quan tâm đổi mới hình thức công tác tuyên truyền thông qua các hình thức hội thi, liên hoan, tọa đàm… tổ chức triển khai thực hiện các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động, đồng thời đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” với các nội dung thiết thực, hiệu quả.

Chị còn có 3 mô hình được phát huy hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn trong đó nổi bật là mô hình “Vận động các Tôn giáo trên địa bàn phường An Hội đoàn kết, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Qua đó được Ủy ban nhân dân Tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen cho Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Hội, TP. Bến Tre đã tích cực vận động vật chất thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn 2 năm 2020-2021 tại tỉnh Bến Tre. Với những thành tích đã làm bản thân chị Hồng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong đó có bằng khen UBND tỉnh, bằng khen Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiều giấy khen của cấp thành phố và cấp phường. 

Xuân Quý Mão 2023 đang đến gần, xuân của niềm tin và khát vọng. Khát vọng xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Để hiện thực hóa khát vọng ấy thì những cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong thực hiện NQ, sự sáng tạo trong phát triển kinh tế của người dân là điều kiện tiên quyết. Họ là những người luôn gần dân, sát cơ sở, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh nhà.

Tác giả: 

Phạm Tuyết