Thứ tư, 6 Tháng 12, 2023 - 04:01

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2024 - 2029!

Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ Việt Nam nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, những tồn tại bất cập, để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Hoạt động GS, PBXH đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong thời gian qua, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có chức năng giám sát ngày chặt chẽ trong phối hợp thực hiện hoạt động giám sát. Đa số đơn vị được giám sát có sự quan tâm trong công tác chuẩn bị, tạo điều kiện phục vụ cho hoạt động giám sát được thuận lợi; các kiến nghị sau giám sát cơ bản được khắc phục tốt; công tác phản biện xã hội ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ngành chức năng trong quá trình thực hiện, nhất là cấp tỉnh các dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án có liên quan đến các đối tượng do Mặt trận vận động, liên quan mật thiết hoặc có tác động lớn đến đời sống Nhân dân đều gửi yêu cầu để MTTQ Việt Nam tỉnh phản biện xã hội, ở cấp huyện cũng có sự chuyển biến bước đầu.

Đại biểu MTTQ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm phát biểu trong buổi tọa đàm về GS, PBXH

Tuy nhiên trong công tác GS, PBXH theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như:

(1) Nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác GS, PBXH chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ;

(2) Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự hiểu, biết quy trình của công tác GS, PBXH của MTTQ và các TC CTXH;

(3) Trình độ, năng lực của cán bộ chúng ta chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, vì công tác GS-PBXH cần có sự đầu tư về mặt thời gian để nghiên cứu, am hiểu pháp luật và các văn bản có liên quan;

(4) Vai trò của thành viên trong quá trình thực hiện công tác GS-PBXH chưa được thể hiện rõ, chưa có những ý kiến chuyên sâu về những nội dung thực hiện, nhất là công tác phản biện.

(5) Phạm vi, nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam rất rộng, trên tất cả các lĩnh vực nhưng khả năng thực hiện giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp còn hạn chế, nhất là cấp xã;

(6) Đội ngũ cán bộ làm công tác MT ở các cấp hiện nay chưa cân bằng với công việc, người ít-việc nhiều;

(7) Công tác phối hợp đa ngành nên gặp không ít khó khăn, nhất là việc giám sát cơ quan, chính quyền cùng cấp.

(8) Nội dung, đối tượng giám sát chưa toàn diện trên các lĩnh vực, các ngành do năng lực giám sát của hệ thống MTTQ Việt Nam còn hạn chế, nhất là những nội dung mang tính chuyên môn hay đối tượng giám sát là cơ quan cùng cấp. Chưa phát huy hết vai trò của các Ban tư vấn, Tổ tư vấn của MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã và chuyên gia trên các lĩnh vực trong tham gia hoạt động giám sát.  

(9) MTTQ Việt Nam cấp xã có một số đơn vị còn lúng túng trong việc xác định nội dung, hình thức giám sát. Các hình thức, phương pháp giám sát chưa được vận dụng hiệu quả, hình thức khảo sát thực tế những vấn đề được phản ánh hay giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu kết quả chưa cao, chưa góp ý, kiến nghị bằng văn bản cụ thể, còn mang tính góp ý thường xuyên. Chưa có cơ chế quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của MT sau GS.

(10) Công tác PBXH vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, nhất là cấp huyện và cấp xã do nội dung dự thảo các văn bản cần phản biện xã hội ít, cấp xã thường chỉ dừng lại ở mức độ góp ý văn bản là chủ yếu, việc gửi dự thảo đề nghị phản biện với hình thức thành lập Hội đồng, tổ phản biện nhiều nơi chưa thực hiện được. Các chương trình, kế hoạch, dự án của cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi cần phản biện thường là triển khai thực hiện khi đã được thống nhất chủ trương của cấp trên theo thẩm quyền, các cơ quan soạn thảo văn bản thông thường chỉ yêu cầu góp ý trực tiếp vào các dự thảo văn bản để thực hiện hoặc chủ trì mời các thành phần hội nghị góp ý trực tiếp; mặt khác MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã cũng rất khó chủ động trong công tác PBXH khi các cơ quan, tổ chức không có yêu cầu cần PBXH, vì vậy hiệu quả của công tác PBXH chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

(11) Kinh phí phục vụ cho hoạt động GS-PBXH còn ít (đối với huyện, xã). Dù HĐND tỉnh có ban hành NQ số 22/2017/NQ/HĐND ngày 05/12/2017 về quy định nội dung, mức chi cho hoạt động GS-PBXH của UBMTTQ VN và các TC CTXH các cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên mức chi này còn thấp và chưa tương xứng cho thành viên tham gia GS và thành viên tham gia PBXH (PBXH khó hơn GS nhiều); cấp huyện, xã không có mục chi cho nội dung thuê chuyên gia nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ngày 24/02/2023 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tại hội nghị này, BTT đã ban hành cẩm nang điện tử về GS-PBXH. Cẩm nang tích hợp các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy định của UBTW MTTQ Việt Nam, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, những nội dung cụ thể về các bước, các quy trình thực hiện công tác GS-PBXH. Cẩm nang sẽ được triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên kể cả triển khai trong nhân dân để làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GS-PBXH trong thời gian tới. Cẩm nang điện tử sẽ giúp ích rất nhiều cho cán bộ Mặt trận từ cơ sở tới tỉnh.

Trong số 5 chức năng của MTTQ, chức năng GS-PBXH có tính chất quan trọng, nó chi phối các chức năng còn lại. Công tác GS-PBXH thực hiện tốt, các nội dung còn lại sẽ mang động lực chung cho sự phát triển của các địa phương, đơn vị và tính xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò làm chủ của người dân làm cơ sở cho sự phát triển.

Huyện Giồng Trôm Giám sát UBND xã Tân Thanh về thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng NTM

Nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên hướng dẫn, định hướng MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác trên phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã” năm 2022 tại 9 huyện, thành phố. Thông qua tọa đàm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục hướng dẫn các căn cứ pháp lý hiện hành, quy trình GS, PBXH theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị và định hướng một số nội dung GS, PBXH cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH cấp huyện, cấp xã.

Để công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh ngày càng chất lượng, hiệu quả thì cần thường xuyên nghiên cứu và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương; nắm chắc quy trình thực hiện GS, PBXH. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, và các ngành chức năng và sự đồng thuận của người dân, đó là yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trong quá trình thực hiện. Phát huy vai trò tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Thường vụ các tổ chức CT-XH trong việc đề xuất nội dung để cấp ủy chỉ đạo và phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng; thực hiện tính chủ động trong công tác GS, PBXH; phải xác định nội dung, đối tượng giám sát phù hợp với năng lực giám sát của MTTQ Việt Nam cấp mình, trong đó quan tâm những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp Nhân dân, những vấn đề bức xúc mà Nhân dân quan tâm kiến nghị, phản ánh. Những nội dung phức tạp nhưng xác định cần phải giám sát thì kiến nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH cấp trên hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp phối hợp giám sát; kiến nghị, đề xuất sau GS, PBXH.

Theo dõi việc giải quyết các kiến nghị qua GS, PBXH, qua góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là các phản ánh, kiến nghị, đề xuất qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Ngoài ra, cần lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát phù hợp với từng cấp: giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên. Công tác phản biện xã hội muốn thực hiện tốt, cần phải có sự thống nhất với các cơ quan soạn thảo, nội dung nào cần thiết phải tổ chức phản biện xã hội, tranh thủ sự tham gia phản biện của các chuyên gia trên các lĩnh vực, thành viên các ban tư vấn.

    Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mong muốn và tin tưởng trong thời gian tới hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả hơn công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong Nhân dân.

Tác giả: 

Kim Ngân