Xác định việc liên kết sản xuất là yếu tố cốt lõi, quan trọng để giúp sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân làm ra có được giá cả ổn định trên thị trường, đảm bảo được đầu ra, không bị thương lái ép giá; đồng thời nhận được sự quan tâm hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các cấp, các ngành...Ban chấp hành Hội Nông dân thị trấn Phước Mỹ Trung đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và cùng với các chi, tổ hội, hội viên nông dân trên địa bàn xã đề ra những giải pháp thiết thực nhằm để từng bước giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Một trong những cách làm mang lại hiệu quả khá rõ rệt đó là xây dựng mô hình Chi hội nghề nghiệp.
Hội nông dân thị trấn Phước Mỹ Trung hiện có 795 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 5 chi hội. Kinh tế chính của hội viên chủ là trồng trọt và chăn nuôi. Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, phối hợp đào tạo dạy nghề, hỗ trợ vốn cho hội viên mở rộng diện tích, quy mô sản xuất,...Tuy nhiên trên địa bàn xã đa phần hội viên còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được chuỗi liên kết, sản phẩm làm ra chưa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thiếu nơi tiêu thụ, chính vì vậy giá cả còn bấp bênh, không ổn định.
Thấy được điều đó, Hội Nông dân xã đã tham mưu thành lập Chi hội nghề nghiệp trên địa bàn, xem đây là một bước đột phá mới để giúp bà con hội viên nông dân phát triển kinh tế ổn định và bền vững hơn. Năm 2022, Chi hội hoa kiểng và cây giống ấp Phước Trung được thành lập với 15 thành viên. Chi hội xây dựng quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số thành viên, mỗi tháng sinh hoạt một lần, chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, mua bán,.... Đồng thời, thông qua Chi hội làm cầu nối để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường cho hội viên nông dân và trong Nhân dân. Thông qua Chi hội, tạo sự liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, tạo cho hội viên thói quen sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập.
Ông Phạm Văn Xuân Chi hội trưởng Chi hội hoa kiểng và cây giống ấp Phước Trung chia sẻ: “Trên địa bàn ấp có nhiều hộ dân làm hoa kiểng, cây giống với quy mô và số lượng lớn, tuy nhiên đa phần là tự phát, manh mún, không có sự liên kết nên bị thương láí ép giá, không tiếp cận được đến với khách hàng tiềm năng. Từ khi Chi hội hoa kiểng và cây giống của ấp được thành lập, các thành viên trong chi hội có sự liên kết với nhau, cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm mình làm ra đã góp phần thúc đẩy giá trị của hoa kiểng, cây giống ngày càng đi lên, có nhiều thương láí biết đến và đầu ra ổn định hơn so với trước đây”.
Hiện tại, số hoa kiểng và cây giống của Chi hội là trên 175.000 gốc các loại, chủ yếu là hoa giấy, mai vàng, kiểng bonsai, bưởi da xanh,.....Dự kiến chi hội sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 gốc hoa giấy, mai vàng (trong số đó đã được các thương lái đặt cọc khoảng 70% số lượng). Dự kiến trong thời gian tới, Chi hội sẽ xem xét các yêu cầu theo nguyện vọng của hội viên để kết nạp thêm thành viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chi hội về chất lượng lẫn số lượng thành viên.
Có thể nói việc thành lập Chi hội nghề nghiệp là một bước đột phá mới, mang lại hiệu quả khá rõ rệt trong việc thực hiện các phong trào của hội, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó, làm giàu chính đáng.