Thứ hai, 25 Tháng 9, 2023 - 11:10

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2023)!

Học tập Phong cách Bác Hồ

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện nghị quyết TW4 (khóa XII); quy định những điều đảng viên không được làm và quy chế nêu gương góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên; nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức và thể hiện bằng hành động cụ thể trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Người là tinh hoa của thời đại, là lương tâm, trí tuệ, khí phách của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô giá.

Trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta tìm hiểu sâu hơn về Phong cách của Người, đó là: Phong cách dân chủ, quần chúng; Phong cách làm việc khoa học; Phong cách nêu gương.

* Phong cách dân chủ, quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phong cách dân chủ “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ “nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta”.

Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng; đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân.

Phong cách quần chúng không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, gần dân để hiểu dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Phong cách quần chúng của Bác Hồ, một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”.

* Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân.

Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc; không ôm đồm, làm quá nhiều việc, nhiều việc không dứt điểm, không hiệu quả.

Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc một cách hiệu quả, sau mỗi công việc phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau cho mình và cho người khác. Thực tế cũng có không ít những cán bộ coi mình là trên hết, giỏi hơn ai hết nên thiếu sự học hỏi, vì vậy cán bộ phải biết khiêm tốn, biết học hỏi những điều hay ở người khác trong khi mình còn nhiều điều phải học tập.

* Phong cách nêu gương, theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung cơ bản không thể thiếu trong phong cách làm việc và nhân cách của những người lãnh đạo, quản lý. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn tất cả các cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Người cán bộ cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên làm công tác vận động quần chúng (Mặt trận; trước những yêu cầu thực tiễn giai đoạn cách mạng hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nghiêm túc học tập và rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng cũng như hoàn thiện những phẩm chất cần thiết của người cán bộ, đặc biệt phải sâu sát quần chúng; phải nêu gương; lời nói phải đi đôi với việc làm; làm việc gì cũng có mục đích rõ ràng, có chương trình, kế hoạch cụ thể và biết tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất để tạo lòng tin cho nhân dân.

Tác giả: 

Hồ Thu