Thứ bảy, 23 Tháng 9, 2023 - 08:46

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2023)!

Hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre hiện nay

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tỉnh Bến Tre đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Qua đó, đã tích cực thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thể hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng cao, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy nguồn lực trong Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Để Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” triển khai có hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã hướng dẫn hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến việc thúc đẩy, lồng ghép trong các phong trào thi đua khác do MTTQ Việt Nam chủ trì đạt những kết quả sau:

Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức như: Xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời xây dựng chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh; xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức các buổi tọa đàm với nội dung bàn giải pháp vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí khó; lồng ghép tổ chức tập huấn nội dung về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; lồng ghép trong hướng dẫn tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở ấp, khu phố;…

Với vai trò, trách nhiệm của mình MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và các tổ chức thành viên được sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2020, Nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng các công trình, phần việc trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với tổng kinh phí quy thành tiền trên 82 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 13,7 tỷ đồng và trên 11.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa và nâng cấp 46.417m đường kinh phí trên 37,483 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa 89 cây cầu nông thôn kinh phí 44,550 tỷ đồng; vận động lắp đặt camera an ninh phục vụ công tác phòng, chống tội phạm[1].... nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 51/142 xã; 08/08 phường đạt chuẩn văn minh; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Chợ Lách); thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp số 2646 ngày 14/6/2017 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn Đề án phát triển đa dạng sinh kế thoát nghèo bền vững của tỉnh. Đồng thời giao MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phân công nhận hỗ trợ người nghèo thực hiện sinh kế giảm nghèo, qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Chú trọng nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, MTTQ Việt Nam tỉnh còn hướng dẫn Mặt trận cơ sở xây dựng mới và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong thực hiện Cuộc vận động như: Mô hình phối hợp các tổ chức tôn giáo xây dựng ấp an toàn về an ninh trật tự; mô hình “Ngày Chủ nhật nông thôn mới”; mô hình “Ánh sáng an ninh”; mô hình “Camera an ninh”; mô hình “tiếng loa an ninh”, mô hình “Mua bảo hiểm y tế cho tổ trưởng tổ nhân dân tự quản”,... Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới tại 32 xã, 01 huyện (Chợ Lách) và thành phố Bến Tre.

Tuy nhiên, một số nơi việc thực hiện Cuộc vận động chưa duy trì thường xuyên, thiếu tính bền vững, chưa huy động được đông đảo Nhân dân tham gia. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhập mặn gay gắt tác động đến đời sống, kinh tế của người dân, làm ảnh hưởng đến công tác vận động người dân tham gia thực hiện Cuộc vận động. Một bộ phận Nhân dân chưa chủ động tham gia Cuộc vận động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để phát huy những kết quả đạt được, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần quan tâm đến các giải pháp thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Bến Tre trong thời gian tới:

Một là, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần quán triệt cho MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nhận thức rõ công tác vận động nhân dân phải xuất phát từ lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của Nhân dân.

Trong công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ Việt Nam và các thành viên không được tuyệt đối hoá một lợi ích nào mà phải kết hợp hài hoà, giải quyết tốt các mối quan hệ về lợi ích: Lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, xã hội và cộng đồng. Trong đó, lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp, gắn chặt quyền lợi với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; khắc phục tư tưởng coi nhẹ lợi ích của tập thể và xã hội, chỉ thấy quyền lợi mà quên nghĩa vụ công dân và ngược lại. Đồng thời, cần khắc phục nhận thức lệch lạc trong các tổ chức thành viên của Mặt trận thường nặng về huy động mà coi nhẹ việc bồi dưỡng sức dân. Quan tâm chăm lo cho nhân dân phải đi đôi với kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, tham ô lãng phí, vi phạm quyền, lợi chính đáng của nhân dân. Đồng thời chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân, tính tự giác, tích cực, phát huy vai trò chủ thể vừa làm, vừa thụ hưởng của Nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền phải bám sát phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[2].

Hai là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động

Thực hiện Cuộc vận động phải tập hợp rộng rãi quần chúng Nhân dân tham gia, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, cơ cấu dân cư, cơ cấu ngành nghề có sự thay đổi lớn mang tính chất không thuần nhất, kéo theo sự đa dạng về nhu cầu, lợi ích của xã hội nên các hình thức tập hợp Nhân dân cũng phải đa dạng. Không những vậy, tuy trình độ dân trí của Nhân dân được nâng cao, nhưng vẫn còn sự chênh lệch về nhận thức chính trị trong các tầng lớp Nhân dân nên phải có các hình thức tập hợp phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Có như vậy mới phát huy được khả năng sáng tạo, tính tích cực, tự giác của các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng bộ tỉnh: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, sát dân, hiểu dân, tất cả vì Nhân dân”[3].

Ba là, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở mỗi địa phương cần tạo ra sự thi đua trong quá trình thực hiện Cuộc vận động giữa các ấp, khu phố.

Thi đua nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự giác trong mỗi người dân, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[4] được MTTQ Việt Nam phát động trong các tầng lớp Nhân dân như: Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn; phong trào giúp nhau làm đường giao thông nông thôn giữa các ấp; thi đua nơi nào tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân sẽ ưu tiên triển khai công trình ở nơi đó trước.

Bốn là, gắn Cuộc vận động với phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở các địa phương, trong đó chú trọng khâu nhân rộng các mô hình và lồng ghép các phong trào thi đua khác do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Năm là, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động cần bảo đảm công khai, minh bạch những khoản đóng góp của Nhân dân để người dân xác định mình là chủ thể của Cuộc vận động.

Sáu là, Mặt trận và các đoàn thể tích cực chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân thông qua sinh hoạt đoàn thể, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của Nhân dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những giải pháp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiệu quả, bền vững.

Việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre ngày càng đi vào chiều sâu sẽ là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư văn minh, lành mạnh, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 

[1] Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre, Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021, ngày 20/11/2020.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2021, tập 1, tr.173.

[3] Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.59.

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.407.

Tác giả: 

Ths. Đoàn Thị Mao (Trường Chính trị)