Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre về phát động phong trào thi đua Đồng Khởi mới giai đoạn 2020 – 2025 và Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Ban Thường Trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thành An đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, phong trào đã thu hút được sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân.
Mô hình làm bánh ống
Tiêu biểu trong phong trào này là chị Võ Thị Tính, cư ngụ ấp Đông Thành, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, là hội viên phụ nữ, chị đồng tình hưởng ứng thực hiện, mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp mô hình làm bánh ống. Những năm đầu khi mới khởi nghiệp do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm bánh nên bánh làm ra chưa đạt chất lượng, không có lãi, thiếu vốn, đời sống khó khăn,... Nhưng chị không nản lòng mà tiếp tục tìm tòi học hỏi cách làm bánh ống truyền thống.
Qua thời gian học hỏi kinh nghiệm, kết hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện số tiền 120.000.000 đồng để đầu tư mua nguyên liệu, dụng cụ làm bánh, đăng ký nhãn mác, bao bì. Đến nay, cơ sở làm bánh ống của chị đã phát triển mạnh, sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOOP đạt chuẩn 3 sao. Trung bình, mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 400-500 kg bánh. Sau khi trừ đi chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình chị thu lợi nhuận từ 100 - 110 triệu đồng. Với số tiền thu nhập hàng năm giúp chị đã trang trải cuộc sống gia đình, đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng cơ sở sản xuất và nuôi các con ăn học. Cơ sở sản xuất bánh ống của chị Võ Thị Tính đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương có việc làm ổn định, thu nhập mỗi chị trung bình từ 05 triệu đến 06 triệu đồng/tháng.
Không dừng lại ở việc làm bánh ống, cùng với tinh thần học hỏi, muốn phát triển kinh tế, thêm thu nhập cho gia đình. Qua tìm hiểu một số ngành nghề có khả năng phát triển kinh tế, chị Tính quyết định tiếp tục đi học thêm nghề đan ghế nhựa do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức. Sau khi kết thúc khóa học, chị nhận hàng về gia công và giao lại cho các chị em cùng làm.
Mô hình đan ghế của chị Võ Thị Tính
Với mong muốn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các chị em ở địa phương, chị huy động những chị em ở địa phương có nhu cầu việc làm. Ban đầu, chị là người đứng ra hướng dẫn các chị em chưa biết đan tập đan ghế, với những chị em nào biết đan thành thục thì chị cho nhận sản phẩm về nhà làm. Đến nay, cơ sở đan ghế nhựa của chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 30 đến 50 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 150.000 đến 400.000 đồng/người/ngày. Nghề đan ghế nhựa không chỉ có nữ mà nam cũng tham gia, giá đan ghế từ 70.000-400.000 đồng/chiếc tùy loại, người đan giỏi có thể đan 03 chiếc/ngày. Thu nhập bình quân từ 4.500.000 - 9.000.000đồng/tháng. Do ngày càng nhiều chị em đến học nghề, chị Tính phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trong năm mở 04 lớp học nghề đan ghế nhựa cho 100 học viên tham gia học, sau 30 ngày học, chị em có thể nhận hàng (dây nhựa, khung ghế) về nhà đan gia công hoặc ở tại cơ sở làm. Nhờ sự tỉ mỉ, khéo tay, có qua đào tạo, nên các sản phẩm ghế do cơ sở chị làm ra đều đạt kỹ thuật theo yêu cầu. Hàng tháng, cơ sở hoàn thành sản phẩm xuất bán trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài trên 15.000 cái ghế các loại.
Với tinh thần chịu thương chịu khó, chịu tìm tòi học hỏi, chị Tính luôn là người gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Với những kết quả đạt được, gia đình chị Võ Thị Tính được Uỷ ban nhân dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tặng giấy khen nhiều năm liền./.