Anh Nguyễn Văn Xoạn, ấp Giồng Trôm, xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri là nông dân chuyên trồng dừa. Với lòng đam mê chăn nuôi, năm 2019 anh Xoạn bắt đầu chăn nuôi thỏ.
Từ sự năng động, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Văn Xoạn lựa chọn hướng phát triển kinh tế mới - đó là mô hình chăn nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Lúc đầu, anh nuôi thỏ chủ yếu để giải trí, thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc. Thấy thỏ dễ nuôi, chi phí thấp, thức ăn dễ tìm, phát triển nhanh, mau sinh sản, lẹ gầy đàn, từ đây anh quyết định sử dụng một ít diện tích đất bờ dừa cất chuồng, đầu tư nuôi thỏ với số lượng nhiều để kinh doanh tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Sau khi tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh liên hệ và được Hợp tác xã Thỏ miền Nam ký hợp đồng mô hình nuôi thỏ, được chuyển giao con giống, thuốc thú y, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và thu mua sản phẩm. Với lòng đam mê, không ngừng học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào chăn nuôi từ đó đàn thỏ của anh phát triển tốt, sinh sản nhiều.
Anh Nguyễn Văn Xoạn chia sẻ kinh nghiệm: “Con thỏ rất dễ nuôi nhưng khi nuôi cần áp dụng đúng kỹ thuật. Do hệ tiêu hóa của chúng rất yếu nên cần phải cho ăn sạch, uống sạch, đặc biệt là ăn đúng tiêu chuẩn, liều lượng. Vì nếu cho ăn nhiều quá thỏ không tiêu hóa được dẫn đến chướng bụng đầy hơi, tiêu chảy, bệnh”.
Trang trại thỏ của anh Xoạn
Thức ăn của thỏ là thức ăn công nghiệp, cỏ, lá cây. Trung bình, khi mới đẻ ra đến 5 tháng tuổi là thỏ phối giống, sau đó 1 tháng sẽ sinh sản. Mỗi con có thể đẻ từ 1 đến 10 con. Sau 3 tháng sinh ra và phát triển là thỏ bắt đầu xuất chuồng, trung bình mỗi con cân nặng 2,2 kg, bán với giá 55.000 đồng/kg.
Ở thời điểm trước dịch Covid-19, với 30 con thỏ sinh sản trung bình mỗi tháng anh xuất chuồng 50 con thỏ thương phẩm, trừ chi phí còn lãi 2,5 triệu đồng. Trong 2 tháng qua, do thực hiện giãn cách xã hội, Hợp tác xã chưa đến thu mua được nhưng anh vẫn duy trì đàn thỏ. Hiện tại, đàn thỏ của anh có 70 con thỏ sinh sản, có gần 400 thỏ con, trong đó có 180 con đến thời điểm xuất chuồng.
Ngoài ra, anh còn sử dụng phân thỏ làm thức ăn cho cá nuôi trong mương vườn dừa để hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo thêm thu nhập. Bình quân mỗi năm thu nhập từ cá trên 13 triệu đồng. Có thể nói, mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Xoạn đã thật sự đem lại hiệu quả
Trong thời gian tới, mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Xoạn được nhân rộng trong huyện Ba Tri, qua đó đưa nghề chăn nuôi này phát triển bền vững, tạo thu nhập cho gia đình, làm giàu cho xã hội, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về thu nhập.