Thứ bảy, 23 Tháng 9, 2023 - 08:02

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2023)!

Giải quyết tốt dư luận xã hội để tuyên truyền, vận động “Toàn dân tham gia BHXH, BHYT”

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Xuất phát từ những yêu cầu đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và BHXH Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 13/CTPH-MTTW-BHXHVN ngày 11/12/2015 về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020, phấn đấu mục tiêu ít nhất 80% người dân tham gia BHYT, 50% người lao động tham gia BHXH trong năm 2020 như Nghị quyết số 21 đề ra.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: “BHXH, BHYT có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị với đất nước, với người dân; khi ốm đau người dân không quá lo lắng về thuốc men, về hưu có chổi dựa, bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy, BHXH, BHYT có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị với đất nước, với người dân, người lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò, trách nhiệm chính trị góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời cũng đảm bảo ổn định chính trị, xã hội. Đây là sự gặp nhau của trách nhiệm chính trị, của tình cảm với người dân, người lao động giữa Mặt trận Tổ quốc và BHXH Việt Nam”.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT và chương trình phối hợp trên; thời gian qua, công tác tuyên truyền các chính sách về BHXH, BHYT được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu đến các giới của mình, giúp người dân nâng cao nhận thức về lợi ích đối với bản thân và gia đình trong việc tham gia BHXH, BHYT; tham gia BHXH, BHYT là cứu cánh đối với mọi người dân nhất là đối với những gia đình, những người có hoàn cảnh khó khăn khi không may mắc bệnh mà nhất là những bệnh hiểm nghèo…

Thông qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt, họp chi, tổ, hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đều lồng ghép truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT cho người dân. Bởi hiện nay, cũng còn nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện tham gia bảo hiểm, vì vậy để tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình, nhiều người dân tham gia và hưởng lợi khi tham gia BHXH, BHYT nên Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên luôn có nhiều hình thức, nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân nhận thức rõ và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.

 Đ/c Đặng Thị Phượng - PCT UBMTTQ tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị

Tuy nhiên, việc tuyên truyền còn khô khan, khuôn mẫu, ít hấp dẫn, những khó khăn, vướng mắc của người dân về chính sách BHXH, BHYT chưa được cán bộ tuyên truyền giải thích thấu đáo, mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “Người dân thích nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép các thông điệp truyền thông”. Nội dung thông tin còn chung chung, chưa cụ thể làm cho người dân chưa thấu hiểu nên không muốn tham gia…

Ngoài việc tuyên truyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên còn làm tốt công tác nắm và phản ánh dư luận xã hội của người dân về lĩnh vực BHXH, BHYT, cụ thể như:

1. Đa số nhân dân rất đồng tình về chế độ tham gia BHYT tự nguyện, vì đây là việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, về thái độ phục vụ của cán bộ ngành Y chưa làm hài lòng bệnh nhân vẫn còn xảy ra một vài cơ sở, so với các phòng khám tư nhân được quan tâm chăm sóc chu đáo hơn. Dư luận mong muốn cần có những chương trình đào tạo nâng cao tay nghề của đội ngũ Bác sĩ tuyến cơ sở, để giảm bớt lượng bệnh nhân khám vượt tuyến tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

2. Nhân dân ở các xã bãi ngang rất phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho 100% nhân dân trong xã. Tuy nhiên, thực tế dư luận cho rằng hiện nay trong một xã bãi ngang một số hộ có điều kiện kinh tế nhưng nhà nước vẫn hỗ trợ cấp thẻ BHYT và miễn giảm học phí cho con em, như vậy là chưa phù hợp. Dư luận đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi chính sách theo hướng hỗ trợ cho các gia đình thuộc xã bãi ngang như hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn…còn các gia đình có điều kiện về kinh tế thì Nhà nước không hỗ trợ.

3. Dư luận cho rằng hiện nay một số đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng như: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thân nhân lực lượng vũ trang, cựu chiến binh,…Tuy nhiên, những đối tượng này là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì vẫn phải đóng BHYT bắt buộc là chưa phù hợp. Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật BHYT theo hướng không bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức là thân nhân người có công cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang phải mua BHYT của cán bộ, công chức, viên chức vì các đối tượng này đã hưởng chế độ BHYT dành cho thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang.

4. Người dân tham gia BHYT tự nguyện bức xúc vì khi đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì không được áp dụng BHYT, phải mua thuốc bên ngoài, trong khi đó người dân mua bảo hiểm 01 năm (bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật). Do đó việc vận động mua BHYT gặp khó khăn; có BHYT nhưng đến khi đến bệnh viện khám bệnh thì bác sĩ cho toa ra ngoài mua thuốc và mua một số dụng dụng y tế (đường ống truyền nước biển, …)…. Người dân phản ánh vấn đề khám chữa bệnh y tế phải có giấy giới thiệu và ngoài giờ làm việc phải đóng tiền phí, thái độ phục vụ bệnh nhân chưa tốt. Vấn đề trực đêm ở một số Trạm y tế xã chưa tốt, gây khó khăn khi bà con bệnh đột xuất vào ban đêm. Một vài cơ sở khám chữa bệnh còn phân biệt khám chữa bệnh có BHYT và không có BHYT.

Dư luận phản ánh thủ tục khám bệnh bằng thẻ BHYT còn rườm rà, mất nhiều thời gian, cho thuốc quá nhiều mà uống không thấy bớt. Vì vậy có một số trường hợp có BHYT nhưng ít khi sử dụng (nhất là CBCC).

5. Việc bắt buộc phải mua bảo hiểm hết những người trong hộ, đối với các em học sinh thì không được mua bảo hiểm chung với hộ gia đình để được giảm tiền mà phải mua ở trường học, bảo hiểm học sinh được tính thời hạn 01 năm (đến hết ngày 31/12 mới hết hạn) nhưng khi nhập học (khoảng tháng 9) thì trường học đã thu tiền mua BHYT.

6. Việc người mua BHXH tự nguyện thì chỉ có chế độ hưu khi đóng đủ thời gian theo quy định, ngoài ra các chế độ khác như thai sản, bệnh ....thì không có, do vậy việc vận động mua BHXH còn gặp khó khăn.

* Trước thực trạng trên, để công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với ngành BHXH tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét những vấn đề dư luận cho rằng chưa phù hợp. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và đưa nội dung vận động “Toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hàng năm. Trước mắt tập trung thực hiện tại các xã đạt 14 tiêu chí trở lên trong xây dựng nông thôn mới và tập trung tuyên truyền trong đối tượng công nhân, người lao động.

Thứ hai, Đề nghị BHXH tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể ấp, khu phố về tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; cung cấp thông tin, tài liệu để Mặt trận, các đoàn thể tuyên truyền, thông qua các trang thông tin điện tử của ngành, chuyên trang Báo Đồng Khởi phục vụ sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, chuyên mục Đại đoàn kết của Mặt trận…

Thứ ba, Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; nâng cao chất lượng hoạt động về chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong quá trình tuyên truyền dành thời gian để thảo luận, trao đổi những vấn đề mà nhân dân quan tâm, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ để nhân dân yên tâm và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT...; kịp thời lắng nghe, giải thích cho nhân dân thông suốt các chính sách về BHXH, BHYT, không để thông tin đi một chiều mà những vướng mắc không được làm rõ, nhân dân chưa thông.

Thứ tư, Tham mưu tổ chức các buổi đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; kịp thời giải quyết nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia BHXH, BHYT.

Thứ năm, Qua tuyên truyền nắm kịp thời dư luận xã hội nhằm thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chính sách về BHXH, BHYT…

Do đó, để phát huy hiệu quả truyền thông BHXH, BHYT, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và cả cơ quan BHXH, cơ quan báo chí cần cố gắng, đa dạng hóa nội dung tuyên truyền phù hợp với từng kênh, loại hình truyền thông. Quá trình phối hợp cần đi sâu về chất lượng nội dung, cơ quan BHXH phát huy vai trò định hướng để thông điệp BHXH, BHYT lan tỏa sâu rộng hơn đến cộng đồng, bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn cho công tác này trong thời gian tới.

Tác giả: 

Hồ Thu