Thứ bảy, 2 Tháng 12, 2023 - 18:11

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2024 - 2029!

Giải pháp để nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Ngày 28/12/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam triển khai Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT với tên gọi “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do MTTQ chủ trì, cũng là tiếp tục thực hiện ở bước cao hơn của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện và toàn quốc, đây là cuộc vận động, là phong trào được tiến hành ở khu dân cư, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, do MTTQ chủ trì phối hợp thống nhất hành động. Với tư tưởng chỉ đạo là “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”. Trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, dựa vào sức mạnh nội lực của cộng đồng khu dân cư là chính, có sự hỗ trợ của nhà nước, qua đó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho từng người, từng hộ gia đình và khu dân cư ngày càng no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển.

Trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà tập trung xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đến cuối tháng 02/2018 tỉnh đã xây dựng 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Châu Bình, Lương Quới, Lương Phú, Bình Thành - Giồng Trôm; Phú Nhuận, Nhơn Thạnh - thành phố Bến Tre; Tân Thủy, Mỹ Nhơn, An Ngãi Trung - Ba Tri; Hữu Định, Quới Sơn - Châu Thành; Sơn Định, Phú Sơn, Vĩnh Bình - Chợ Lách; Phú Thuận, Long Hòa, Thới Thuận - Bình Đạ; Định Thủy, Cẩm Sơn - Mỏ Cày Nam; Tân Thành Bình, Tân Phú Tây - Mỏ Cày Bắc; Đại Điền, Quới Điền - Thạnh Phú). Phấn đấu năm 2018 tỉnh sẽ xây dựng đạt 14 xã nông thôn mới.

Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án số 04 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với việc nâng chất cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn văn hóa; ấp, khu phố văn hóa, ……; đảm bảo các danh hiệu được công nhận đúng quy trình, chuẩn chất, nâng cao chất lượng các danh hiệu. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp, Nghị quyết liên tịch với các ngành liên quan trong kéo giảm tai nạn giao thông, phòng chống tham nhũng, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, nhân rộng và phát huy các mô hình tự phòng, tự quản trong nhân dân, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm hàng năm của tỉnh và các xã còn lại. Các nội dung đề ra trong Kế hoạch số 43/KH-MTTQ-BTT ngày 04/5/2015 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phấn đấu đến năm 2020, Bến Tre đạt 45 xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí. Tuyên truyền, vận động nhân dân để nhân dân biết, bàn, kiểm tra và thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo chuẩn quy định.

          Thực tế cho thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào đời sống của nhân dân, trở thành nếp ăn, nếp nghĩ trong nhân dân thì chúng ta phải nói đến sự kiên trì triển khai, vận động của Ban vận động ấp, khu phố. Ban vận động chính là cầu nối chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động đến nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Các thành viên trong Ban vận động được phân công nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng, từ đó trong quá trình thực hiện dễ kiểm tra trách nhiệm. Những hộ nào không tự giác thực hiện các nội dung cuộc vận động thì Ban vận động đến trao đổi, giải thích, thuyết phục để họ tự giác tham gia. Cho nên, khu dân cư nào có Ban vận động nhiệt tình, có năng lực thì khu dân cư đó vững mạnh nhiều mặt; do đó Ban vận động phải cơ cấu những người có uy tín, nhiệt tình, năng nổ, hiểu biết, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, biết vận động nhân dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu…thì cuộc vận động sẽ đạt kết quả cao.

          Mặt được của phong trào là nổi trội, là ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, . . . tuy nhiên phong trào phát triển chưa đồng đều, vẫn còn một số thành viên Ban vận động chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ…. Vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích, đến kiểm tra thì hô hào làm cho xong, cho đạt, nhưng khi công nhận rồi thì bỏ ngỏ, khi nào có kiểm tra tái công nhận thì lại ra quân làm tiếp vì vậy mà phong trào ở mỗi địa phương chưa được giữ vững. Do đó để cuộc vận động thật sự đi vào lòng dân, nhân dân tự giác tham gia và hưởng ứng thì phải tập trung tuyên truyền, củng cố, tập huấn nghiệp vụ cho Ban vận động, Ban chỉ đạo để đủ sức lãnh đạo phong trào ở khu dân cư, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền. . ..

Trước thực trạng trên, để Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề ra các giải pháp:

* Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân:

Phải xác định công tác tuyên truyền không chỉ là nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể mà tất cả mọi người, cả hệ thống chính trị đều phải tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để làm sao cho nhân dân hiểu được, nhận thức được vai trò chủ thể của mình, hiểu được mục đích của công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi sâu sắc từ nhận thức, tư duy đến cách làm. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Chương trình hiệp thương phối hợp thống nhất thực hiện Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cụ thể:

- Tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới với nội dung thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện phong trào thi đua Đồng Khởi mới theo Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình (được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra giám sát, được thụ hưởng…) để tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Quan tâm nâng chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập trung tuyên truyền vận động hộ gia đình thực hiện tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiêu chí và phần việc do hộ gia đình thực hiện.

- Tại các xã được chọn xây dựng nông thôn mới năm 2018, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên (đoàn thể CT-XH) chủ trì tổ chức tọa đàm bàn giải pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp, tập trung cho các tiêu chí và phần việc của hộ gia đình và các tiêu chí của khu dân cư được quy định tại Quyết định số 42 của UBND tỉnh…..

* Phối hợp vận động nhân dân thực hiện các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh Bến Tre:

Căn cứ vào Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Bến Tre, trên cơ sở khảo sát thực trạng tình hình xây dựng nông thôn mới của các địa phương, MTTQ và các đoàn thể xác định nội dung vận động cụ thể: các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, tiêu chí nào dân làm được thì vận động dân làm…, trong đó tập trung vận động thực hiện các tiêu chí thiết yếu như: tiêu chí số 2 (giao thông), 3 (thủy lợi), 4 (điện), 9 (nhà ở dân cư), 10 (nâng cao thu nhập), 11 (giảm nghèo), 12 (giáo dục), 13 (việc làm), 14 (tổ chức sản xuất), 15 (y tế), 16 (văn hóa), 17 (môi trường), 18 (hệ thống chính trị xã hội vững mạnh), 19 (an ninh, trật tự xã hội). Từng tiêu chí đề ra các công việc cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng và được MTTQ các cấp và các đoàn thể triển khai lồng ghép trong các cuộc vận động, các phong trào do MTTQ và các đoàn thể phụ trách.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải tập trung, ra sức phấn đấu hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Phải xác định cho được: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không thể vội vàng, chạy theo thành tích, mà phải làm cho chắc, cho đạt từng công việc, tiêu chí nào chưa đạt thì phấn đấu làm cho đạt; phải xác định những tiêu chí nào làm trước, tiêu chí nào làm sau (dễ thì làm trước, khó thì làm sau), trong các tiêu chí đã nêu ở trên có 4 tiêu chí mang tính quyết định cần tập trung thực hiện cho tốt, đó là: tiêu chí về giao thông (2), tiêu chí về thu nhập (10), tiêu chí về môi trường (17) và tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh (18). MTTQ và các tổ chức thành viên (các đoàn thể CT-XH) làm sao khơi dậy phong trào thi đua ở tất cả các địa phương chứ không chỉ ở các xã điểm. Với tinh thần dân là gốc, dân là chủ thể, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ thu hút nhân dân thật sự tham gia, dễ dàng huy động được nguồn lực trong dân để xây dựng thành công nông thôn mới.

Thực hiện NQĐH X Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 16-CT/TU của BTVTU khóa IX, việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh là công việc quan trọng, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị; thực hiện tốt công tác giám sát trong xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; nâng cao năng lực điều hành của cấp ủy, chính quyền; tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng với mọi hình thức để nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; triển khai thực hiện tốt các nguồn vốn từ Nhà nước và trong dân để xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ triển khai thực hiện Hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã (theo hướng dẫn của Mặt trận Trung ương). Vì vậy tỉnh sẽ bổ sung phần việc nầy vào Quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh.

Trong thực hiện cần tập trung một số việc trọng tâm: Phải có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, có quy chế làm việc và phân công công việc cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu và rộng khắp tạo niềm tin để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân; Trong quá trình thực hiện đồng loạt nhưng có tập trung chọn xã điểm, đầu tư các tiêu chí để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Trong đó, xác định các tiêu chí quan trọng, cốt lõi cần tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên: Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cơ sở hạ tầng thiết yếu, môi trường, hệ thống chính trị; Không làm thay, tạo sức mạnh tại chỗ, xác định dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, lấy nền tảng sức dân là cơ bản, các ngành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Xác định những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào nhà nước hỗ trợ để triển khai đồng bộ và có hiệu quả; Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; Ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển sản xuất phù hợp điều kiện của mỗi địa phương để xây dựng nông thôn mới.                                                                                             

Tác giả: 

Hồ Thu