Việc tổ chức họp mặt đại biểu các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trở thành truyền thống. Qua đó nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên các dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với quê hương, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Đồng khởi mới”; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo chủ đề “Dân chủ - Kỷ Cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
Có mặt từ rất sớm, chị Hoàng Thị Ngân, xã Lộc Thuận, Bình Đại dân tộc Tày háo hức vô cùng. Chị Ngân cho biết mình sinh ra và lớn lên ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, một tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2007, chị Ngân lập gia đình, về sinh sống tại xã Lộc Thuận. “Qua 16 năm về sinh sống tại địa phương, tôi có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tộc đang sinh sống tại địa phương, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo cho người dân tộc. MTTQ các tổ chức thành viên luôn tạo điều kiện giúp đỡ hỗ trợ trực tiếp vật chất, cổ vũ tinh thần cho người dân tộc gặp khó khăn, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế, cho vay có điều kiện tham gia phát triển kinh tế” - chị Hoàng Thị Ngân chia sẻ. Được biết, gia đình chị Ngân có cuộc sống ổn định, chồng làm viên chức nhà nước, 2 con ngoan, học giỏi.
Cũng như chị Ngân, ông Đàm Ngọc Hùng cán bộ hưu trí, Trưởng Khu phố 6, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, đại diện cho tiếng nói của người Việt gốc Hoa, ông Hùng cho rằng, cộng đồng người Hoa sống trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, cuộc sống gia đình ông được no ấm, hạnh phúc. Ông được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc đã tin tưởng tạo điều kiện cho tôi công tác, phát triển Đảng, làm công tác Đảng, Công đoàn, trưởng các phòng liên tục từ tháng 1-1979 cho đến nay tiếp tục làm nhiệm vụ Trưởng Khu phố.
“Gần 44 năm công tác, tôi đã được nhận bằng khen lao động hạng Ba, 5 Huy chương, rất nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương, tỉnh, địa phương từ năm 1979 đến nay. Đã được thi chuyên viên chính, có trình độ cao cấp lý luận chính trị, điều này chứng minh hùng hồn rằng Đảng và nhà nước Việt Nam không có kỳ thị dân tộc mà thực hiện rất thiết thực về chính sách dân tộc” - ông Đàm Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng: Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng có cuộc sống ổn định hơn về vật chất và tinh thần, luôn đoàn kết gắn bó với cộng đồng dân cư, tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động. Nhiều cá nhân tiêu biểu, ưu tú trong đồng bào các dân tộc được kết nạp vào Đảng; tham gia công tác trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; nhiều con em đồng bào các dân tộc được học hành và thành đạt. Điển hình như: Hiện có 36 vị là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp (cấp tỉnh: 2, huyện: 7, xã: 27); có 9 vị là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (huyện 2, cấp xã 7).
Đại biểu các dân tộc trẻn địa bàn huyện Bình Đại chụp ảnh lưu niệm cũng lãnh đạo tỉnh.
Cùng tham gia phát triển kinh tế
Là người dân tộc Mường, sau 10 năm về làm dâu tại xã Phước Ngãi, Ba Tri, chị Bùi Thị Lựu có cuộc sống gia đình ổn định. Chị Lựu cho biết: Từ những bở ngỡ ban đầu, chị được lãnh đạo, sự giúp đỡ của Ủy ban MTTQ xã, tạo điều kiện hỗ trợ gia đình vay vốn, hướng dẫn tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó chị và gia đình mạnh dạn đầu tư làm ăn phát triển kinh tế gia đình, hòa đồng với cuộc sống, góp phần xây dựng xã Phước Ngãi thành công xã nông thôn mới trong năm 2023.
“Hiện mình đã xây dựng lại căn nhà, các con an tâm học hành, mình và chồng thì tập trung làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Nhà mình đang nuôi 4 bò nái sinh sản, hàng năm bán 2 đến 3 bê giống đủ để trang tải việc học hành của các con và góp phần ổn định cuộc sống. Những lúc rãnh, chồng mình còn nhận làm thuê kiếm thêm thu nhập, mình thì chăm lo việc nội trợ, đưa đón con đi học, chăn nuôi bò, cuộc sống ổn định” - chị Lựu cho biết.
Cũng như chị Lựu, chị Hoàng Thị Thanh (dân tộc Tày), ấp An Ninh, xã An Qui, huyện Thạnh Phú, chị Thanh cho biết: Từ khi lập gia đình, chuyển về sinh sống tại xã An Qui, chị cùng gia đình luôn được chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi, được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần giúp gia đình làm ăn phát triển kinh tế, cuộc sống ổn định.
Tiết mục văn nghệ với sự biểu diễn của đại biểu các dân tộc
Không những thế, chị Thanh còn cùng gia đình tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay gia đình chị đã hoàn thành 15 chỉ tiêu của hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới, bản thân chị Thanh là thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. “Tôi luôn tích cực vận động người dân cùng với địa phương thực hiện thành công các mô hình như: Mô hình “5 không, 3 sạch”, mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”…. Tham gia trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa trong ấp, góp quỹ hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững. Đến nay nguồn quỹ đã lên đến hơn 50 triệu đồng, đã hỗ trợ được hơn 23 hộ trong ấp thoát nghèo bền vững” - chị Hoàng Thị Thanh chia sẻ.
“Để phát huy vai trò hạt nhân nòng cốt trong tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,...; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, đồng bào các dân tộc và Nhân dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, công tác chăm lo hỗ trợ cho người nghèo các dân tộc luôn được chú trọng” - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng nhấn mạnh.
Box:“Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cam kết sẽ tiếp tục tạo không gian và điều kiện tốt nhất cho quý cô, bác, anh chị thực hiện quyền, trách nhiệm nghĩa vụ công dân và có đóng góp vào sự phát triển của Bến Tre trong tương lai. Tỉnh sẽ có những nội dung huy động nguồn lực hỗ trợ cho quý bà con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn trước hết là có nhà ở. Thời gian tới những vấn đề chung về giáo dục, tạo điều kiện cơ sở vật chất, tham gia giảm nghèo, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. Tỉnh sẽ duy trì đều đặn việc tổ chức họp mặt Ngày Văn hoá các dân tộc, mong quý đại biểu với niềm tin sắt son vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung.