MTTQ phối hợp với các ban, ngành tỉnh khảo sát tình hình triển khai chuyên đề sinh hoạt tổ nhân dân tự quản ở huyện Thạnh Phú. Ảnh: C.Trúc
Giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên (đoàn thể chính trị - xã hội) các cấp được quy định ở Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam và các quyết định, chỉ thị của Đảng; là công cụ, cơ chế để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, thực hiện quy chế GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức quán triệt Quy chế GS và PBXH trong đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và đoàn thể, hướng dẫn quy trình tổ chức đoàn GS ở từng cấp. Từ đó nâng cao nhận thức trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh thông qua công tác GS các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền, qua việc phản biện dự thảo các chủ trương, chính sách trước khi ban hành để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật và sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.
Để thực hiện có hiệu quả và tạo sự thống nhất trong hoạt động GS, PBXH thì công tác phối hợp, thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH là hết sức quan trọng, tạo sự nhịp nhàng, thống nhất nội dung, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung GS cũng như áp lực đối với đơn vị được GS.
Thời gian qua, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH các cấp trong tỉnh thực hiện chức năng GS, PBXH tuy chưa nhiều, chưa toàn diện trên các lĩnh vực nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, đáng ghi nhận. MTTQ Việt Nam và đoàn thể CT-XH các cấp đã tổ chức hàng ngàn cuộc GS về các nội dung, như: Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; chính sách bảo hiểm y tế; công tác dạy nghề; công tác giảm nghèo đa chiều; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; vấn đề liên quan đến phụ nữ; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; cải cách thủ tục hành chính; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ cho nông dân…
Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể các cấp thì còn có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, nhất là về cơ chế, chính sách. Ngoài ra, công tác GS của MTTQ Việt Nam và đoàn thể CT-XH các cấp còn được thực hiện thông qua công tác phối hợp với các ngành chức năng; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, hoạt động GS đầu tư của cộng đồng ở cơ sở… đã góp phần cùng Đảng, chính quyền hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, được nhân dân tin tưởng, đồng thuận.
Bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, vướng mắc như sự hướng dẫn từ các cơ quan liên quan ở Trung ương chưa kịp thời và thiếu sự đồng bộ, thống nhất; nhận thức và lãnh đạo thực hiện trong các cấp ủy Đảng chưa kịp thời, chưa có sự quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự quan tâm đến công tác GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH các cấp, nhất là đối tượng được GS nên chưa có sự phối hợp và thực hiện tốt; một bộ phận nhân dân chưa hiểu và nắm được chủ trương này nên chưa tích cực tham gia GS, cung cấp thông tin. Công tác GS mới chỉ thực hiện ở đối tượng là các cơ quan, tổ chức, chưa thực hiện GS đối với cá nhân; thực hiện quy trình GS ở các cấp còn nhiều lúng túng. Công tác PBXH chỉ mới thực hiện được ở cấp tỉnh, cấp huyện còn cơ sở chưa thực hiện được do không có yêu cầu hoặc thông báo từ các cơ quan chức năng của cấp ủy, chính quyền theo quy định.
Để công tác GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH các cấp thời gian tới hiệu quả hơn, chất lượng hơn, cần quán triệt Quyết định số 217 của Bộ Chính trị đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục được đẩy mạnh và có chiều sâu. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, để từ đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác GS và PBXH, về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH các cấp trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy các cấp đối với công tác GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH; thực hiện tốt cơ chế phối hợp với chính quyền trong công tác GS và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH để mỗi bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác MTTQ và các đoàn thể CT-XH phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, bản lĩnh công tác để đáp ứng yêu cầu về công tác GS, PBXH ngày càng tốt hơn.