Hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Đoàn công tác cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre có chuyến về nguồn đến Côn Đảo, vùng đất linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam. Ngày 01/02/1862, Đô đốc Bonard, người chỉ huy đạo quân xâm lược Việt Nam đã ký Quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Từ năm 1862-1975, tại đây lần lượt thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hơn 20 ngàn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác.
22 giờ ngày 06/4/2023 đoàn chúng tôi xuất phát đến bến cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, 06 giờ sáng ngày 07/4/2023, chúng tôi xuống tàu rẽ sóng tiến về Côn Đảo xa xăm. Tôi rất may mắn được tham gia chuyến đi này chỉ với hành trình 02 ngày, 03 đêm. Đây là lần thứ 2 tôi được trở lại Côn Đảo sau gần 20 năm với nhiều cảm xúc. Côn Đảo lần đầu tiên tôi đặt chân đến là năm 2005 với vai trò là một cán bộ Đoàn; vẫn cái cảm xúc như lần đầu được đi vậy, háo hức, hồi hộp. Chúng ta đã được biết nhiều về Côn Đảo qua truyền thống lịch sử, qua các phương tiện truyền thông. Côn Đảo với 16 hòn đảo lớn nhỏ với những bãi cát dài trắng mịn. Thị trấn Côn Đảo nép mình dưới những gốc bàng cổ thụ bên những bờ tường ngục tù phủ rêu phong theo thời gian. Có ai nghĩ rằng nơi đây đã từng là “địa ngục trần gian”? Nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và người yêu nước, các đồng chí lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Các địa điểm đoàn đến trong chuyến hành trình đều để lại ấn tượng sâu sắc khó quên và vô cùng xúc động. Ai ai cũng háo hức khám phá một vùng đất mới, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa thời tiết nóng bức nhưng trong lòng mỗi người đều cảm thấy rất là hân hoan, phấn khởi vô cùng và không một lời than vãn. Cái khó khăn hôm nay đâu thể so sánh với cái đau khổ đến tận xương tủy của những người tù nơi đây đã trãi qua.
Đoàn đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, mỗi người một vẻ nhưng ai ai cũng đều cảm nhận được ý nghĩa của việc mình sắp làm. Không khí im lặng, tôn kính hiện rõ trên gương mặt của mỗi người, nơi đây có mộ Chị Võ Thị Sáu - “người con gái trẻ măng” hy sinh khi vừa mới 19 tuổi. Từng đoàn người tay cầm hương, hoa, ... xếp hàng đi đến trước mộ Chị. Dù không ai nói với ai nhưng tất cả đều im lặng, bước nhẹ nhàng với lòng tôn kính trang nghiêm. Tất cả đều rất xúc động, nghe văng vẳng đâu đây bài hát “Nhớ ơn Chị Võ Thị Sáu” làm xao xuyến thổn thức đến tận cùng. Khi đứng trước mộ Chị, nhìn bức di ảnh được tạc bằng đá trắng, với hình ảnh lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc đang tung bay, sự trắng trong, khí phách dũng cảm của người con gái miền Đất đỏ hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Hình ảnh Chị Sáu khi mới 16 tuổi đã làm bao kẻ thù run sợ và hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ đã làm cho mọi người phải nghẹn ngào qua lời thuyết trình của hướng dẫn viên.
Đoàn viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương
Dọc đường đi, đoàn đã nhìn thấy rất nhiều nấm mộ vô danh đơn sơ, lạnh lẽo, làm đau nhói cõi lòng. Tất cả họ đều đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ vì vậy, nên dù đi giữa trưa nắng, các thành viên trong đoàn, ai ai cũng thể hiện tâm trạng không mệt mỏi, muốn thắp nhiều nén hương để làm ấm lòng các đồng chí, anh chị đã nằm xuống nơi đây, để thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh dũng cảm của những liệt sĩ thầm lặng, cảm ơn các anh chị, các đồng chí đã anh dũng, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hy sinh thân mình cho ngày toàn thắng của đất nước.
Mộ đồng chí Lê Hồng Phong
Đoàn lại đến thắp hương tại Chùa, Chùa được xây dựng khang trang, mặt hướng ra biển. Nơi đây có bàn thờ chị Võ Thị Sáu và bà Hoàng Phi Yến (thứ phi của vua Nguyễn Ánh), là 2 người phụ nữ được dân đảo tôn thờ.
Đoàn tham quan bảo tàng Côn Đảo, nơi đang lưu giữ những hiện vật và hình ảnh khắc nghiệt của các nhà Tù tại Côn Đảo thời Pháp và Mỹ. Nơi đây cũng trưng bày các hình ảnh đấu tranh anh dũng của những người tù yêu nước qua các thời kỳ như Bác Tôn Đức Thắng, Bác Lê Duẩn, đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Liệt sỹ AHLLVTND Lưu Chí Hiếu... và hàng trăm, hàng ngàn các gương liệt sỹ khác. Khi dừng lại trước quyển sổ ghi danh những người tử tù với hàng tên Võ Thị Sáu, tử hình ngày 23/01/1952, và nhiều tên, ngày nữa..... sao mà lòng cứ bồi hồi, nặng trĩu…
Đoàn tham quan Bảo tàng Côn Đảo
Điển hình nhất ở Côn Đảo là hệ thống nhà tù, phòng biệt giam, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ. Hệ thống nhà tù Côn Đảo được xây dựng qua 2 thời kỳ. Thời Pháp có các trại giam Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn đảo), Phú Cường,... cùng hệ thống chuồng cọp, khu biệt lập chuồng bò. Thời Mỹ nguỵ chúng cho xây thêm trại Phú An, Phú Bình,..., có tổng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng thuộc “khu biệt lập chuồng cọp”, 18 sở tù được xây dựng nhằm đày ải con người lao dịch khổ sai, giết dần, giết mòn sinh mạng tù nhân. Trong 113 năm tồn tại, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã thay đổi đến 53 tên cai quản độc ác (chúa Đảo). Cùng với đó đã có hành trăm chiến sĩ cộng sản nòng cốt của Đảng đã bị giam cầm, đày đoạ nơi đây. Đây đều là những địa điểm mà thực dân và đế quốc giam cầm tù chính trị với những hình thức tra tấn dã man. Ý đồ của quân xâm lược muốn biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” nhằm uy hiếp tinh thần, chí khí cách mạng của những người cộng sản.
Đoàn tham quan trại Phú Hải
Các thành viên trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi nghe hướng dẫn viên của khu di tích miêu tả lại các hình thức tra tấn tù nhân, đặc biệt là các nữ tù chính trị tại các trại giam, chuồng cọp Pháp và Mỹ, hình thức tra tấn dã man nhất, độc ác nhất của loài người.
Đoàn tham quan một buồng giam trại Phú Hải
Bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn của Phan Chu Trinh đã miêu tả nỗi vất vả người tù nơi đây:
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lở bước
Gian nan chi kể việc con con”
Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa… với những đòn tra tấn dã man như: Rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù lở loét hay như ngâm thân thể dưới hầm phân bò…và những câu chuyện mà thuyết minh đã kể cho chúng tôi nghe đều phải rùng mình, phẫn nộ. Với những tên tuổi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu,… cùng biết bao chiến sĩ cách mạng đã hy sinh thầm lặng cho dận tộc Việt Nam. Cầu tàu 914, nơi chứng kiến những cuộc vượt ngục đầu tiên của những người chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Đã có rất nhiều người đến đây rồi không bao giờ trở về. Con số 914 được đặt tên cho cầu tàu này là do ước tính từng đó người tù đã chết vì lao dịch, tai nạn và con số 914 đã được đặt làm tên cho chính cây cầu, nhưng thực tế con số người ngã xuống còn lớn hơn nhiều mà chưa thống kê hết được.
Kết thúc chuyến tham quan về nguồn tại Côn Đảo vùng đất thiêng liêng anh hùng đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc. Bản thân vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, quả cảm của các thế hệ cha, ông đã hy sinh xương máu và nằm lại Côn Đảo để Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Qua chuyến đi, đã để lại trong tôi nhiều bài học quý báu về sự hy sinh bản thân, cống hiến quên mình vì quê hương đất nước.
Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt hàng vạn anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Chúng tôi xin hứa sẽ quyết tâm ra sức rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất, xứng đáng với niềm tin, lý tưởng và sự hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cách mạng, người tù yêu nước tại Côn Đảo.