Căn cứ Kế hoạch số 193-KH/CB ngày 05/4/2023 của Chi bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre về việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tính tiên phong gương mẫu trong học tập và rèn luyện tinh thần yêu nước, trách nhiệm với Nhân dân của cán bộ, đảng viên và đoàn viên công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ được giao” nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) tại huyện Côn Đảo từ ngày 06/4 đến 08/4/2023.
Đoàn cán bộ MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre tham quan Côn Đảo
Qua chuyến đi đã để lại trong tôi một dấu ấn khó quên, đó là tinh thần đoàn kết của tập thể cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua 26 năm công tác đây là chuyến đi tập thể đầy đủ nhất từ trước đến nay, 19/22 cán bộ, công chức, người lao động tham gia; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 và gia đình một số cán bộ, công chức cơ quan cùng tham gia. Chính chuyến đi này, lãnh đạo cơ quan đã tạo điều kiện cho gia đình anh em trong cơ quan có điều kiện chia sẻ, gắn kết với nhau hơn; là động lực, truyền cảm hứng cho từng cán bộ, công chức, người lao động cố gắng phấn đấu hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng khối đoàn kết của cơ quan ngày càng vững mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đây là chuyến đi Côn Đảo lần đầu của tôi và của rất nhiều thành viên trong đoàn, nên chúng tôi rất háo hức, nôn nao được đặt chân lên mãnh đất Côn Đảo hào hùng và thiêng liêng. Côn Đảo là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 74 km², địa hình chủ yếu là đồi núi. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm. Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi Côn Đảo bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện người tù khó bề trốn thoát, người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở nơi hải đảo này, những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội bên ngoài, với các phong trào yêu nước. Côn đảo được đặt dưới sự cai trị của các “Chúa đảo”, dù là thời Pháp hay thời ngụy quyền thì các “Chúa đảo” và các quan chức dưới quyền đều dùng các chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ.
Mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu
Điểm đầu tiên chúng tôi đến đó là Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn người yêu nước Việt và chiến sĩ cách mạng qua nhiều thế hệ bị tù đày, suốt từ những năm 1862 đến 1975 trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dưới sự sống khắc nghiệt tại nhà tù và sự tàn bạo của cai ngục họ đã hy sinh tại Côn Đảo. Dưới cái nắng gay gắt lúc 14 giờ chiều không ngăn cản được bước chân của đoàn chúng tôi đến viếng và thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Nơi đây ghi dấu bao đau thương của người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, là nơi yên nghỉ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng yêu nước đã ngã xuống và mãi mãi ở lại trên mảnh đất này để dâng một nén hương tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc kiên cường trước những chế độ của kẻ thù thực dân cực kỳ khắc nghiệt và tàn bạo. Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương hiện có 04 khu:
Khu A gồm 688 ngôi mộ (7 ngôi mộ tập thể), trong đó 91 ngôi mộ có tên và 597 ngôi mộ không tên. Hầu hết các ngôi mộ từ năm 1945 hoặc sớm hơn, trong đó có mộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và nguyên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Khu B có 695 mộ (17 mộ tập thể), trong đó 276 mộ có tên và 419 mộ không tên. Đa phần các ngôi mộ có từ năm 1945 đến năm 1960. Ở khu vực này có ngôi mộ của nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
Khu C gồm 373 mộ (trong đó có 1 mộ tập thể), có 332 mộ có tên và 41 mộ không tên. Hầu hết các ngôi mộ có từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có phần mộ của anh hùng Lê Văn Kiệt.
Khu D gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 ngôi mộ có tên và 143 ngôi mộ không tên. Đặc biệt những ngôi mộ ở khu D được quy tập từ những ngôi mộ ở Hòn Cau, Hàng Keo.
Mộ đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Trong số các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, trong đó có 90 liệt sĩ là người con của tỉnh Bến Tre, đặc biệt có liệt sĩ Nguyễn Văn Bích là chồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Khi đến thăm nơi này, phần mộ của nhà chí sĩ Võ An Ninh, anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, nguyên Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong luôn nghi ngút khói hương của những người ra thăm đảo, họ đã ra đi để Tổ quốc sống mãi muôn đời.
Điểm đến thứ hai của đoàn chúng tôi là Bảo tàng Côn Đảo, nơi đây trưng bày các hình ảnh, hiện vật về tội ác chiến tranh của thực dân Pháp cũng như của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Hệ thống nhà tù ở Côn Đảo gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú An, Trại Phú Phong và Trại Phú Hưng với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập. Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nhắc đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm.
Mỗi buồng giam “chuồng cọp” có kích thước cỡ 1,5m x 2,7m, không có giường ngủ, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Đồng thời, bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man, như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thiêu sống, chôn sống...
Ngoài ra, cai ngục còn có những hình thức tra tấn mà không cần đánh đập nhưng vô cùng tàn độc, như tù nhân không được ăn muối khiến cho mắt của họ mờ dần, đến khi bị mù thì đem giết hay úp các thùng phuy lên đầu tù nhân, rồi gõ mạnh vào thùng khiến tù nhân đau đầu và bị điếc. Ở đây còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng tắm nắng là nơi dùng để hành hạ bằng cách bắt người tù phơi nắng, phơi mưa hoặc là khu để đánh đập, tra tấn.
Các nữ tù chính trị kiên cường từng bị giam tại đây. Nổi bật trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Trong những ngày gian khổ, chị em tù nhân không chỉ chia sẻ cho nhau từ miếng cơm, ngụm nước mà còn chung nhau cả chỗ nằm, khe hở để thở. Vào lúc cao điểm, khu chuồng cọp giam giữ hàng nghìn tù nhân. Từ 5 - 12 người bị nhốt vào một buồng. Họ phải ăn, ngủ, đại, tiểu tiện ngay tại chỗ, không có khoảng trống để nằm, thậm chí chỉ được ngồi, ban đêm ngủ xếp chồng lên nhau, rất khổ cực.
Đặc biệt Phòng giam số 7, nơi chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo ra đời (cuối năm 1932), sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự đóng góp của các đồng chí Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh…
Khác với “chuồng cọp” kiểu Pháp, “chuồng cọp” kiểu Mỹ được xây dựng năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. Với diện tích 25.768 m² chia thành 4 khu, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy là 48 phòng giam biệt lập. Bên trên có song sắt như “chuồng cọp” kiểu Pháp, nhưng không có hành lang mà thay bằng mái tôn thấp; trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà. Ban ngày, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt, ban đêm ẩm ướt, khí đất xông lên.
Xà lim số 11 nơi đồng chí Mai Văn Xinh quê Bến Tre hy sinh.
Vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần, các cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức, như tuyệt thực, viết kiến nghị... đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, được nhận thư từ, sách báo... Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh của tù nhân đều bị đàn áp dã man, hàng chục người đã bị đánh chết, hàng trăm người khác bị thương nặng, bị nhốt hầm đá, chuồng cọp...
Bên cạnh đó, các phong trào đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản, chống chào cờ ngụy... diễn ra liên tục với sự tham gia của hàng ngàn người, thực tiễn đấu tranh trong tù cho thấy đấu tranh không loại trừ hình thức, mức độ đấu tranh nào. Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng, khi thoát cảnh ngục tù, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Ðảng, của Nhà nước.
Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Họ luôn tìm về đây để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Về nơi đây chúng ta càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến. Rời Côn Đảo, đọng lại trong tôi hình ảnh không thể nào quên với Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, hệ thống nhà tù cai trị hết sức khắc nghiệt của thực dân Pháp, đến quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tra tấn, đàn áp các đồng chí chiến sĩ cách mạng hết sức dã mang, tàn ác, không còn tính người… nhưng với ý chí quyết tâm bảo vệ Đảng và tình yêu nước, yêu dân tộc sâu sắc đã có hàng nghìn người đã anh dũng ngã xuống để giành lại sự bình yên cho chúng ta có điều kiện sinh sống, học tập, lao động như hiện nay.
Trong công việc và cuộc sống không có khó khăn nào cản trở được ý chí của con người, càng khó khăn thì phải càng phấn đấu nhiều hơn nữa. Hiện nay chúng ta đang sống trong điều kiện hòa bình, tự do có cuộc sống ấm no, đầy đủ thì phải càng nhớ ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành lấy độc lập tự do như ngày hôm nay. Trong công việc thì phải cố gắng phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phải khiêm tốn thật thà; trong tập thể thì phải đoàn kết, chia sẻ công việc với đồng chí để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là xây dựng Khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh./.