Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa thường xuyên, cơ bản, lâu dài. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả phải sử dụng tổng hợp các lực lượng, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”[1].
Từ thực tiễn lãnh đạo và việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”[2]. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là “làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, góp phần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Ba Tri
Bằng các hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Một là, quán triệt triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, còn tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách thuận lợi, phù hợp với điều kiện ở từng cơ sở.
Hai là, thực hiện các biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo sự chỉ đạo của từng cấp ủy, chính quyền; xây dựng, tổ chức lực lượng; vận động và tập hợp đông đảo Nhân dân tham gia; đồng thời, đề ra các phương án, cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của từng lực lượng; huy động cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật, nhân lực…tham gia nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để tạo sự lan tỏa, khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng tham gia bằng những hình thức khác nhau như viết tin bài, chia sẻ thông tin tích cực, tuyên truyền cho Nhân dân nhận diện những thông tin có nội dung xấu độc…. Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực trong Nhân dân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để Nhân dân làm theo, hưởng ứng chủ trương của Đảng, chính quyền cơ sở.
Bốn là, giám sát, phản biện việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cán bộ, đảng viên và nhân dân tại cơ sở. Các tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chính là “tai mắt” của nhân dân, thường xuyên giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng. Qua việc giám sát đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ; tuyên dương, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh Bến Tre đã luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, chia sẻ khó khăn, làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần cùng cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Với truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cùng với các tổ chức thành viên đã huy động từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các tổ chức tôn giáo ủng hộ thực hiện chương trình an sinh xã hội số tiền trên 603,7 tỷ đồng vượt chỉ tiêu đề ra là 500 tỷ đồng. Tập trung xây dựng 987 căn nhà (trong đó có 332 nhà tình nghĩa) đến tháng 12-2022 là 1.000 căn và đây cũng là năm thứ 7 tỉnh Bến Tre có 100% hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được chăm lo Tết. Đến tháng 11/2022 Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận được sự đăng ký ủng hộ của 51 đơn vị, tổ chức, cá nhân với số tiền trên 472,5 tỷ đồng (trong đó ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 15,8 tỷ đồng). Mặt trận Tổ quốc sẽ phối hợp triển khai các gói an sinh xã hội, tập trung xây dựng 1.000 căn nhà[3] trên địa bàn tỉnh năm 2023 để góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ làm tốt an sinh xã hội, Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, chuyển tải tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến đảng bộ, chính quyền các cấp. Qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội; góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; nâng lên niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Những kết quả trên chưa thể phản ánh hết những thành quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh năm 2022. Nhưng là minh chứng rõ ràng để khẳng định Mặt trận Tổ quốc nói chung, hệ thống chính trị nói riêng luôn là của dân, do dân và vì dân. Kết quả ấy cũng phản bác thẳng vào những luận điệu xấu, chống phá, xuyên tạc về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng về chủ trương, đường lối bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, tuyên truyền, vận động nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; hướng dẫn, động viên, khích lệ nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, căn cứ vào đặc điểm, khả năng, mỗi tổ chức có thể xây dựng lực lượng đấu tranh cho phù hợp. Đối với các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, chủ yếu là lực lượng đấu tranh rộng khắp trên không gian mạng để tuyên truyền, lan tỏa những giá trị của nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội.
Bốn là, nắm bắt đặc điểm tình hình công tác tư tưởng, chính trị của cán bộ, đoàn viên, hội viên để kịp thời định hướng, tránh để các thế lực thù địch có cơ hội lôi kéo, mua chuộc.
Năm là, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để kịp thời định hướng, tránh để các thế lực thù địch có cơ hội lôi kéo, mua chuộc.
Sáu là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, hội viên để thu hút đông đảo Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Bảy là, tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tám là, tuyên truyền, thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương; tuyên truyền những thông tin có nội dung tích cực, định hướng cho Nhân dân trước những thông tin có nội dung sai trái, xấu độc; viết bài, chia sẻ các thông tin có nội dung tích cực để định hướng dư luận cho Nhân dân cơ sở; tham gia vào các lực lượng xung kích, đội phản ứng nhanh để đấu tranh trên không gian mạng.
Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, giải pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.86-87.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr172; 173.
[3] Nguồn: Bài viết Bến Tre: 51 đơn vị ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội, ngày 19-10-2022; trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.