Thứ bảy, 2 Tháng 12, 2023 - 20:07

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2024 - 2029!

Anh Trần Văn Puol xã Bình Khánh vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững từ nghề may gia công

Được biết đến Anh Trần Văn Puol (sinh năm 1984) ở  ấp An Hòa, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam là một tấm gương điển hình tiêu biểu, đã nỗ lực vượt khó phát triển cơ sở may gia công để mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để thoát nghèo bền vững

Từ một hộ nghèo có 04 nhân khẩu, cuộc sống gia đình rất khó khăn, kiếm ăn từng bữa, ai thuê mướn gì làm nấy cùng với có thêm nghề may công nghiệp. Sau thời gian nỗ lực phấn đấu lao động, gia đình anh Trần Văn Puol giờ đã thoát nghèo. Nhờ tham gia vào tổ chức hội đoàn thanh niên xã, anh được hỗ trợ vay vốn để mua máy may nhận hàng về may gia công tại nhà. Với sự chịu khó, siêng năng, anh Puol tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật hướng dẫn may gia công, từ đó, tay nghề thành thạo và dần nâng cao. Bên cạnh đó, anh cũng luôn linh hoạt trong việc tìm kiếm nhiều nguồn hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh về gia công để ổn định thu nhập.

Anh Puol đang may tại sơ sở của mình

Sau một thời gian làm nghề và tích lũy vốn, anh trả hết nợ và đầu tư mua thêm máy may để mở rộng cơ sở. Anh Trần Văn Puol chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của gia đình anh có phần khó khăn trong chi phí sinh hoạt gia đình, hoàn toàn trông chờ vào nguồn thu nhập từ nghề may gia công chỉ với 04 đầu máy may. Với mong muốn thoát nghèo anh đã mạnh dạn vay vốn  với số tiền 80 triệu đồng, theo chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH Huyện Mỏ Cày Nam để đầu tư mua thêm máy may, hiện cơ sở tăng thêm 14 đầu máy ”

 Hiện tại cơ sở may của anh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Puol cho biết: Nhiều chị em phụ nữ ở đây chưa có việc làm ổn định, vì vậy mà năm 2020 tôi đã mạnh dạn đầu tư mua thêm máy may để mở rộng thêm cơ sở may gia công và vận động chị em cùng làm. Ai chưa biết nghề may thì tôi chỉ dẫn cho biết may nhằm tạo điều kiện cho chị em kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Trong đó có vợ tôi cùng tham gia may để tăng thu nhập cho gia đình.

Cơ sở may gia công anh Puol mở rộng với 14 đầu máy may giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương

“Công việc này dễ làm, chủ yếu may theo công đoạn, người chưa biết có thể học vài ngày là làm được. Nghề may gia công không khó, chị em chịu học sẽ làm được, người thợ may phải tỉ mỉ, chịu khó để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu của khách hàng. Đây là một nghề rất phù hợp cho phụ nữ tại nông thôn, có thể vừa chăm sóc gia đình, vừa có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Bình quân tùy tay nghề người may hàng tháng có thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Riêng gia đình anh Puol trừ chi phí có lãi thu nhập hàng tháng từ 10-20 triệu đồng. Anh mong muốn cơ sở may sẽ ngày càng phát triển để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong ấp, trong xã”, anh Puol chia sẻ.

Trải qua nhiều cơ cực, anh Puol  đã làm được điều chị mong muốn là thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. Không chỉ giỏi giang, nghị lực vượt khó vươn lên, anh Puol còn có tấm lòng chia sẻ, truyền nghề cho chị em phụ nữ có việc làm ổn định tại địa phương.

Anh  Nguyễn Duy Khương- Phó Bí thư xã đoàn Bình Khánh cho biết: anh Trần Văn Puol  rất chịu khó trong lao động, không chùn bước trước khó khăn, nhờ vậy mà anh đã thoát nghèo bền vững và vươn lên có cuộc sống ổn định, mua đất cất nhà thật khang trang. Cơ sở  may gia công của anh ngày một phát huy hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương có được việc làm ổn định tăng thu nhập. Anh Puol là tấm gương điển hình trong việc sử dụng đúng mục đích từ nguồn vốn vay của  Ngân hàng CSXH để thoát nghèo, ổn định cuộc sống tại địa phương./.

Tác giả: 

Bảo Toàn